Các chỉ dấu cho hoạt động đầu tư sau cuộc gặp Mỹ - Trung

Các chỉ dấu cho hoạt động đầu tư sau cuộc gặp Mỹ - Trung

(ĐTCK) Việc Mỹ phóng hơn 50 quả tên lửa vào Syria đã làm giảm sự chú ý tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, nhưng về mặt kinh tế, độ nóng của sự kiện này vẫn rất lớn.

Các thị trường tài chính đã có diễn biến tích cực kể từ khi tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, đặc biệt là thị trường chứng khoán khi các chỉ số chính lần lượt phá vỡ các dấu mốc ấn tượng. Tuy nhiên, đó là những gì xảy ra khi chưa một chính sách nào có khả năng đe dọa tới thương mại được đưa ra.

Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, cuộc gặp giữa ông Trump và lãnh đạo cao cấp Trung Quốc cuối tuần trước chính là bài kiểm tra đầu tiên về việc liệu các thị trường tài chính và bộ máy quản trị của Tổng thống Mỹ có thể “hợp tác” tốt với nhau hay không.

Ngay trước thời điểm gặp gỡ các lãnh đạo Trung Quốc, vào ngày 31/3, ông Trump đã ký các sắc lệnh yêu cầu tiến hành một nghiên cứu chi tiết trong 90 ngày về thâm hụt thương mại giữa Mỹ với một số quốc gia và các sản phẩm có liên quan, cùng với cách để giảm tình trạng thâm hụt. Sắc lệnh này được đưa ra ngay sau tuyên bố của ông Trump rằng thâm hụt thương mại Mỹ - Trung sẽ là chủ đề chính được đưa ra thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thực tế, việc thị trường tài chính diễn biến tích cực trong 60 ngày đầu tiên kể từ khi bộ máy mới lên nhận chức là kết quả từ việc những cố vấn kinh tế của ông Trump chưa thực hiện những điều mà đội ngũ tranh cử từng tuyên bố.

Theo đó, Gary Cohn, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đều nhận thức được rằng, việc xiết chặt quy tắc thương mại có thể dẫn tới hành động trả đũa từ các đối tác, đồng thời chọc giận nhà đầu tư. Điều này gây “nguy hại” cho nền kinh tế hơn việc khiến những người ủng hộ ông Trump thất vọng khi chưa có nhiều việc làm được tạo ra. Kết quả là chưa có chính sách thuế mới nào được áp đặt với hàng hóa Trung Quốc, hay Mỹ vẫn chưa rút ra khỏi Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Chưa kể, Mnuchin đã trì hoãn việc “định danh” Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, bất chấp việc ông Trump cam kết sẽ tiến hành điều này ngay ngày đầu tiên nhận chức. Wilbur Ross cũng đưa ra tín hiệu cho thấy ông có thể hợp tác với các đồng sự tại Mexico để đám phán những điều khoản mới của NAFTA, thay vì rút lui khỏi Hiệp định như ông Trump đe dọa. Những động thái này từ bộ máy quản trị mới đã khiến thị trường tài chính duy trì xu hướng tích cực.

Bên cạnh đó, sự lạc quan của nhà đầu tư còn xuất phát từ việc họ có niềm tin rằng chính quyền Hoa Kỳ đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bằng việc tăng chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, ủng hộ phát triển sản xuất – kinh doanh nội địa.

Hiện tại, khi các thị trường tài chính đang chờ đợi những động thái mới nhất từ cả 2 phía Mỹ - Trung sau cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo cấp cao nhất, theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư cần tập trung sự chú ý vào các yếu tố chính sau khi đưa ra quyết định đầu tư.

Thứ nhất, liệu các kế hoạch chi tiêu công có phối hợp ăn ý với các dự án đầu tư tư nhân tại lĩnh vực cơ sở hạ tầng? Nếu có, diễn biến này có thể giúp GDP tăng trưởng thêm 0,5% và thúc đẩy đà tăng của giá cổ phiếu. Nếu câu trả lời là không, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhà đầu tư hiện đang lạc quan thái quá so với thực tế.

Thứ hai, sau cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình, 2 quốc gia Mỹ - Trung có tiến tới các chính sách thắt chặt mối liên kết thương mại hơn nữa? Việc xuất hiện các dấu hiệu tích cực sẽ góp phần giảm thiếu nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu. Điều này không chỉ tốt cho thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc, mà còn có tác động tích cực tới các thị trường mới nổi. Mặt khác, nếu các cuộc trò chuyện đi tới ngõ cụt, nhà đầu tư nên cân nhắc tới thị trường trái phiếu Mỹ và Đức.

Thứ ba, nhà đầu tư cần quan tâm tới những việc sẽ xảy ra với Mexico. Một báo cáo bị rò rỉ tuần trước cho biết, ông Trump có thể không đưa nước Mỹ ra khỏi NAFTA, thay vào đó chỉ tìm cơ hội để đàm phán các điều kiện có lợi hơn cho nước Mỹ. Nếu như vậy, đồng peso của Mexico sẽ gia tăng giá trị và tác động tích cực tới thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi.

Nếu việc rút ra khỏi NAFTA vẫn còn nhen nhóm, hay nước Mỹ có thể đánh thêm thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, thì đường lối bảo hộ kinh tế nội địa trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi đó, tài sản đầu tư tại các thị trường mới nổi sẽ chịu áp lực bán ra lớn.

Tin bài liên quan