Burger King vs Tim Hortons có “đồng sàng dị mộng”?

Burger King vs Tim Hortons có “đồng sàng dị mộng”?

(ĐTCK) Ngày 26/8/2014, Burger King Worldwide Inc., chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh lớn của Mỹ đã thông báo chính thức đạt được thoả thuận mua lại Tim Hortons Inc., chuỗi cửa hàng bán cà phê và bánh ngọt (bánh doughnut) lớn nhất Canada với giá 12,64 tỷ dollar Canada (11,53 tỷ USD).

Sau khi mọi thủ tục pháp lý được hoàn tất, doanh nghiệp mới (hình thành từ việc sáp nhập Burger King với Tim Hortons) sẽ trở thành chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau McDonald’s and Yum Brands (sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như Pizza Hut, Taco Bell, Kentucky Fried Chicken - KFC).

Cụ thể, trên giấy tờ, với doanh thu đạt 23 tỷ USD (số liệu năm 2013), cùng hơn 18.000 cửa hàng tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ cộng với 2 thương hiệu mạnh, doanh nghiệp mới đứng trước một tương lai phát triển mạnh mẽ. Doanh nghiệp mới sẽ có trụ sở chính đặt tại Oakville, Ontario (Canada), nơi Tim Hortons có tổng hành dinh, thay vì tại Miami, bang Florida (Mỹ), nơi Burger King có trụ sở chính. Như vậy, trong tương lai, doanh nghiệp mới sẽ chỉ phải chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 26,5%, thay vì mức 40% tại Mỹ. 2 thương hiệu Burger King và Tim Hortons vẫn sẽ hoạt động độc lập sau khi về chung một nhà.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu của cả Burger King lẫn Tim Hortons đều tăng khá mạnh. Tại Sở GDCK New York, giá cổ phiếu của Burger King tăng 5% lên 33,96 USD/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu của Tim Hortons còn tăng mạnh hơn, tới 12% lên mức 83,50 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu của doanh nghiệp mới sẽ được niêm yết tại 2 sở GDCK New York và Toronto (Canada).

Một tín hiệu đáng chú ý nữa là, Tập đoàn Berkshire Hathaway do nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett làm Chủ tịch đã cam kết sẽ tài trợ 3 tỷ USD cho thương vụ này. 3G Capital, quỹ đầu tư tư nhân của Brazil (có trụ sở ở New York) hiện sở hữu 70% cổ phần của Burger King dự kiến sẽ nắm khoảng 51% cổ phần của doanh nghiệp mới. Ông Alex Behring, Chủ tịch của Burger King và Daniel Schwartz, Giám đốc điều hành (CEO) của Burger King sẽ tiếp tục đảm nhiệm lần lượt chức Chủ tịch và CEO của công ty mới. Trong khi ông Marc Caira, CEO của Tim Hortons sẽ giữ chức Phó chủ tịch của công ty mới.

Burger King được xem là một doanh nghiệp Mỹ nữa đi theo trào lưu chuyển trụ sở ra khỏi Mỹ sang một số nước và vùng lãnh thổ khác (có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn) để né thuế, bất chấp mọi chỉ trích được Tổng thống Mỹ Barrack Obama đưa ra hồi cuối tháng 7 vừa qua. Kể từ thời điểm đó đến nay, có ít nhất 5 doanh nghiệp khác của Mỹ đã công bố các quyết định M&A với mục tiêu rời trụ sở khỏi nước này.

Ông Daniel Schwartz khẳng định: “Do Canada sẽ là thị trường lớn nhất của chúng tôi, nên việc chuyển trụ sở chính từ Mỹ sang Canada là hợp lý. Chuyện được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là phụ, tiềm năng phát triển dài hạn của chúng tôi mới là yếu tố chính”.

Tuy nhiên, nhiều người, nhất là các chính trị gia Mỹ lại không tin là ông này nói thật, song ngăn cản vụ này cũng khó, vì luật pháp Mỹ… không cấm. Thế nên, một số nhà lập pháp chỉ còn cách phản ứng tiêu cực là kêu gọi người tiêu dùng Mỹ tẩy chay hàng của Burger King. “Burger King từ bỏ nước Mỹ để né tránh thuế. Người tiêu dùng nên quay lưng lại các sản phẩm của Burger King và sử dụng sản phẩm cùng loại của McDonald’s hay Wendy’s”, ông Sherrod Brown, thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ bang Ohio kêu gọi. Thậm chí, Carl Levin, thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ bang Michigan còn cảnh báo: “Phản ứng của công luận Mỹ có sức nặng khó lường. Thiệt hại về nhiều mặt với Burger King có khi còn cao hơn nhiều so các khoản tiền thu được từ chênh lệch về thuế”.

Bất chấp những phản ứng từ bên ngoài, lãnh đạo của Burger King và Tim Hortons đều lạc quan về tương lai mới của cuộc “hôn nhân” này.

Ông Marc Caira khẳng định: “Tim Hortons sẽ vẫn là Tim Hortons, không có gì thay đổi. Tất cả các sản phẩm đều như cũ. Tuy nhiên, đi cùng với Burger King, chúng tôi sẽ mạnh hơn và có nhiều khả năng đưa thương hiệu Tim Hortons vươn ra xa hơn trên bình diện quốc tế”.

Một số nhà phân tích lại có nhận xét ở góc độ khác rằng, cùng ở dưới một mái nhà, song Burger King và Tim Hortons lại đeo đuổi các mục tiêu, hay giấc mơ không hoàn toàn trùng khớp nhau. Burger King thì mơ về khoản tiền chênh lệch thuế hàng năm cỡ hàng trăm triệu USD, còn Tim Hortons lại ôm giấc mộng là thương hiệu của mình sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn. Tim Hortons hiện là chuỗi nhà hàng cà phê và bánh donut lớn nhất Canada với khoảng 4.500 điểm bán hàng, song chỉ nổi tiếng trong nước. Ở nước ngoài, ngay ở Mỹ, thương hiệu này cũng không được nhiều người biết đến.

Đã có người còn ví trường hợp “hôn nhân” của Burger King và Tim Hortons sẽ là “đồng sàng dị mộng”. Liệu có đúng như vậy không nhỉ?

Tin bài liên quan