Trong ngày thứ Sáu, phố Wall nghỉ giao dịch ngày Quốc khánh Mỹ (nghỉ bù). Trước đó, trong phiên giao dịch hôm thứ Năm, với những thông tin về tình hình nợ của Hy Lạp, cùng vùng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ, khả năng vỡ bong bóng chứng khoán Trung Quốc khiến phố Wall giảm điểm. Tuy nhiên, mức giảm không lớn khi bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 thấp hơn dự kiến, khiến khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 giảm đi.
Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Dow Jones giảm 27,8 điểm (-0,16%), xuống 17.730,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,64 điểm (-0,03%), xuống 2.076,78 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,91 điểm (-0,08%), xuống 5.009,21 điểm.
Trong tuần, cả 3 chỉ số chính của phố Wall điều giảm mạnh, trong đó chỉ số Dow Jones giảm 1,21%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4, chỉ số S&P 500 giảm 1,18%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3 và chỉ số Nasdaq giảm 1,4%, mức lớn nhất kể từ đầu tháng 5.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp khiến các thị trường chính của khu vực tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 3/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 44,69 điểm (-0,67%), xuống 6.585,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 40,96 điểm (-0,37%), xuống 11.058,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 27,34 điểm (-0,57%), xuống 4.808,22 điểm.
Trong tuần chỉ số FTSE 100 giảm 2,49%, chỉ số DAX giảm 3,78%, còn chỉ số CAC 40 giảm tới 4,96%. Đây là mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất trong năm nay của chứng khoán châu Âu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã thoát khỏi phiên điều chỉnh giảm cuối tuần nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cũng giống như thị trường Mỹ và châu Âu, giới đầu tư trên thị trường châu Á cũng thận trọng theo dõi cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp sẽ diễn ra vào Chủ nhật này.
Thận trọng về tình hình Hy Lạp, cùng ảnh hưởng từ sự lao dốc của chứng khoán Trung Quốc đại lúc khiến chứng khoán Hồng Kông giảm trở lại trong phiên cuối tuần. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo và có mức giảm tới gần 6% trong phiên cuối tuần, sau khi đã mất hơn 3% trong phiên trước đó. Trong tuần chứng khoán Trung Quốc mất tới hơn 12% giá trị. Tính trong 3 tuần sụt giảm vừa qua, chứng khoán Trung Quốc đã giảm tới 30% và lấy hết toàn bộ những gì đã đạt được từ đầu năm.
Kể từ cuối năm ngoái đến giữa tháng 6 năm nay, chứng khoán Trung Quốc đã tăng gấp đôi sau những kỳ vọng về các chính sách nới lỏng tiền tệ kích thích kinh tế của Trung Quốc, cùng với đó là việc mở rộng margin.
Đà tăng như vũ bão của chứng khoán bất chấp kinh tế nước này đang có bước tiến chậm chạm nhất trong hàng chục năm khiến nhiều nhà phân tích đã cảnh báo về nguy cơ bong bóng sẽ nổ. Và đúng với những gì giới phân tích dự đoán, chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm trở lại nhanh như khi nó tăng, thậm chí còn mạnh hơn.
Kết thúc phiên 3/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 17,29 điểm (+0,08%), lên 20.539,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 218,21 điểm (-0,83%), xuống 26.064,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 225,85 điểm (-5,77%), xuống 3.686,92 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8%, chỉ số Hang Seng giảm 2,25%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm tới 12,07%.
Trên thị trường vàng, giá vàng ít biến động trong phiên cuối tuần do thị trường Mỹ nghỉ giao dịch. Thị trường kim loại quý chỉ giao dịch trong phiên châu Á và châu Âu. Kết thúc phiên cuối tuần trên thị trường châu Âu, giá vàng đã lấy lại được toàn bộ những gì đã mất trong phiên thứ Năm trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chốt tuần cả giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai giao tháng 8 đều giảm 0,5%.
Kết thúc phiên 3/7, giá vàng giao ngay tăng 2,6 USD (+0,22%), lên 1.168,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 4,3 USD/ounce (+0,37%), lên 1.167,8 USD/ounce.
Theo cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong 211 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến, có 119 người, chiếm 56% cho rằng vàng sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới; 62 người, chiếm 29% có quan điểm lạc quan về giá vàng và 30 người, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.
Còn trong số 33 chuyên gia thị trường được liên lạc, có 18 trả lời trong tuần này, trong đó có 8 người, chiếm 44% lạc quan về vàng trong tuần tới; 7 chuyên gia, chiếm 39% vẫn cho rằng vàng sẽ tiếp tục giảm và 3 người, chiếm 17% giữ quan điểm trung lập.
Thị trường dầu thô cũng nghỉ giao dịch trong phiên thứ Sáu. Trước đó, trong phiên thứ Năm, giá dầu thô chỉ dao động nhẹ và đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước. Tuy nhiên, trong tuần, giá dầu thô vẫn giảm khá mạnh với giá dầu thô Mỹ giảm 4,53% và dầu thô Brent giảm 1,88%.
Kết thúc phiên 2/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,03 USD/thùng (-0,05%), xuống 56,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,06 USD (+0,10%), lên 62,07 USD/thùng.