“Bơm” tiền hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều chưa hẳn đã tốt

“Bơm” tiền hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều chưa hẳn đã tốt

(ĐTCK) Ở nhiều khía cạnh, Đông Nam Á đang là mảnh đất màu mỡ cho lĩnh vực kinh doanh công nghệ phát triển. Đây là khu vực có thị trường online phát triển nhanh nhất thế giới, theo báo cáo của Google, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. 70% dân số Đông Nam Á dưới 40 tuổi, giúp doanh số bán các thiết bị thông minh không ngừng gia tăng.

Do đó, dễ hiểu khi chính phủ tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang tích cực tạo các quỹ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tại quê nhà, với kỳ vọng “nuôi dưỡng” những “hạt giống” tốt nhằm tạo nên một trung tâm tài chính – công nghệ sau này. Chẳng hạn, Thái Lan đã dành 570 triệu USD với mục tiêu hỗ trợ 10.000 dự án khởi nghiệp tới năm 2018.

Những nỗ lực trên chứng tỏ tham vọng, cũng như mục tiêu tốt đẹp của chính phủ tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á, nhưng đồng thời nó cũng gây ra các sai lầm điển hình.

Cụ thể, khi chính phủ bơm tiền nhiều hơn vào các công ty, họ đã gia tăng thêm rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân và duy trì sự tồn tại của các hoạt động kinh doanh thiếu sức cạnh tranh. Mục tiêu của chính phủ thường khá khác biệt so với mục đích của nhà đầu tư cá nhân, chẳng hạn, chính phủ muốn tạo nhiều việc làm nhất có thể, nhưng nhà đầu tư thông thường thì chưa hăn là như vậy. Đó là chưa kể, rất khó để có thể cân bằng được quyền lợi của các bên. Tất nhiên, một số dự án khởi nghiệp được hỗ trợ bởi nhà nước có thể mang lợi nhiều ích lợi, nhưng quá nhiều dự án được hỗ trợ lại mang tới rắc rối.

Đó là lý do tại sao nên để thị trường quyết định dòng chảy vốn đầu tư. Tại Đông Nam Á, điều này đang diễn ra. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã gia tăng mức đầu tư vào khu vực này, trung bình 127% mỗi năm kể từ năm 2010, chạm mức 1,1 tỷ USD của năm 2015. Hơn 7.000 dự án khởi nghiệp đã dần ổn định và tăng trưởng. Tất nhiên, số lượng các dự án khởi nghiệp thất bại cũng không phải là ít, nhưng đây không phải vấn đề lớn, bởi đó là lý do người ta gọi hoạt động này là đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, giới chức các nước thường sẽ chịu đựng tổn thương nhiều hơn khi các dự án đầu tư của họ gặp thất bại. Một số quốc gia giàu có hơn, như Singapore, có thể kiên nhẫn chi trả để hỗ trợ các doanh nghiệp non trẻ tại địa phương, nhưng đa phần các quốc gia khác nên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống: hàng hóa công cộng, hoạt động dự báo và nghiên cứu.

Đối với các quốc gia Đông Nam Á, một trong những vấn đề cẩn cải thiện là tốc độ truy cập internet. Đa phần các quốc gia trong khu vực này đứng “cuối bảng” trên toàn cầu về tốc độ truy cập mạng trung bình. Chưa kể, số lượng người dân chưa được kết nối tại khu vực còn rất lớn. Đầu tư để cải thiện băng thông rộng có thể tạo thêm lực đẩy cho doanh nghiệp, giúp mở rộng hoạt động thương mại và kết nối các nhân tài. Điều này cũng giúp “mở khóa” cho hoạt động sáng tạo, khi nhiều năm qua, nhiều phát minh sáng tạo, từ hệ thống thanh toán qua di động, đến thiết bị y tế, đều bắt nguồn từ những cá nhân/công ty có thể truy cập internet tốt, không phải cá nhân có nhiều tiền.

Bên cạnh đó, giới chức khu vực có thể hỗ trợ khởi nghiệp bằng cách đơn giản hóa các thủ tục, thay vì bơm tiền “rộng rãi” cho nhiều đối tượng. Thương mại điện tử tại Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 32% mỗi năm trong vòng một thập kỷ tới. Tuy nhiên, đa phần người dùng vẫn sử dụng dịch vụ theo cách đặt hàng online và thanh toán tiền mặt. Việc thiết lập quy định về hoạt động mua bán, thanh toán qua mạng có thể giúp các công ty bắt kịp với phương pháp thanh toán mới, tạo thuận lợi để tăng trưởng cùng các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chương trình nghiên cứu cơ bản tại trường đại học hoặc các viện nghiên cứu. Những nỗ lực này sẽ tạo ra nhiều lợi thế, bởi nó giúp cung cấp nguồn tư liệu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng của nguồn nhân lực và hỗ trợ tăng trưởng. Tất cả các yếu tố này giúp xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng mạnh và bền vững.

Tin bài liên quan