BOJ xoay xở hỗ trợ thị trường chứng khoán Nhật Bản

BOJ xoay xở hỗ trợ thị trường chứng khoán Nhật Bản

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang trải qua quãng thời gian khó khăn và nếu không có các thương vụ mua cổ phiếu nội địa giá trị khủng từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), tình hình còn thê thảm hơn nhiều.

Nỗ lực hỗ trợ

BOJ đã dành 833 tỷ yên (7,8 tỷ USD) để mua chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF đầu tư chỉ số chứng khoán tại thị trường nội địa trong tháng 3, thiết lập kỷ lục mua cao nhất từ trước tới nay. Chưa hết, BOJ sẽ tiếp tục thực hiện theo kế hoạch với mục tiêu chi khoảng 6 nghìn tỷ yên vào các quỹ ETF trong năm nay và đã dành khoảng 1/3 ngân quỹ này riêng trong quý I/2018.

Theo các chuyên gia kinh tế, BOJ buộc phải hỗ trợ mạnh tay hơn bởi thị trường chứng khoán Nhật Bản đã đi xuống trong thời gian khá dài, với chỉ số tiêu chuẩn Topix hiện đang ở mức bằng với đầu năm 2016, vào khoảng 1.719 điểm.

Chưa kể, việc chỉ số Topix giảm 6,1% kể từ đầu năm tới nay biến đây thành thị trường có màn biểu diễn tệ nhất trong 23 thị trường phát triển mà Bloomberg theo dõi. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 bao gồm các cổ phiếu bluechips đã giảm hơn 7% trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua.

BOJ bắt đầu mua ETF kể từ năm 2010, khi Thống đốc Haruhiko Kuroda coi đây là một phần của gói nới lỏng định lượng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kể từ đó tới nay, BOJ đã chi 183 tỷ USD vào các quỹ ETF tại Nhật, 30% trong số này là các thương vụ được thực hiện vào năm ngoái.

Thực tế, Thống đốc BOJ từng phát biểu, mục tiêu của chương trình không bị bó buộc ở con số chính xác 6 nghìn tỷ yên mỗi năm.

Tính tới tháng 10/2017, BOJ sở hữu 74% giá trị các chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường, tăng so với mức 65% của năm trước đó, theo tính toán của Investment Trusts Association dựa trên số liệu mà BOJ công bố.

“Nếu thị trường tiếp tục đi xuống, BOJ sẽ gặp vấn đề về việc không biết phải làm gì tiếp theo”, Kazuyuki Terao, Giám đốc đầu tư tại Allianz Global Investors, hiện đang quản lý 614 tỷ USD trên toàn cầu nói và cho biết, ông không nhận thấy BOJ có dấu hiệu tăng hay giảm mục tiêu mua ETF hiện tại.

Chờ thời điểm thích hợp

Vào cuối tuần trước, trả lời trước Nghị viện, ông Kuroda cho biết, BOJ đang thảo luận về vấn đề tìm thời điểm và cách thức thích hợp để chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng đã được thực hiện trong thời gian dài, tuy nhiên còn quá sớm để công bố các chi tiết.

Trước đó, các thành viên thị trường kỳ vọng BOJ sẽ sớm gia nhập làn sóng đưa chính sách tiền tệ trở về trạng thái bình thường bằng việc giảm mua ETF trong năm nay. Đó là khi chỉ số Topix và Nikkei 225 có quý tăng mạnh nhất trong 100 năm qua. Vậy nhưng, niềm vui chóng tan khi thị trường lại lao dốc và tình thế thay đổi.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản lao đao thời gian qua chính là các tác động từ thị trường quốc tế. Với những bất ổn kinh tế - chính trị xảy ra liên tiếp, đặc biệt là mối lo về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhà đầu tư quốc tế tìm tới đồng yên như một tài sản trú ẩn an toàn, đẩy giá đồng yên lên mức cao nhất 16 tháng qua so với USD.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản bị khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 8 nghìn tỷ yên chứng khoán và các tài sản phái sinh chỉ riêng trong quý I/2018, theo số liệu tính tới ngày 23/3.

Với tình hình này, Tatsuya Oguchi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Franklin Templeton Investment tại Nhật Bản nhận định, BOJ sẽ không vội vã thay đổi chính sách mua vào chứng chỉ quỹ ETF hiện nay.

“Tất nhiên, tới một thời điểm nào đó, BOJ sẽ ngừng chương trình mua tài sản. Nhưng theo tôi, cơ quan này sẽ không thay đổi chính sách trong ít nhất 2 - 3 năm nữa”, ông Oguchi nói.

Tin bài liên quan