Phố Wall tăng nhẹ phiên đầu tuần - Ảnh: AFP

Phố Wall tăng nhẹ phiên đầu tuần - Ảnh: AFP

Bỏ qua nỗi lo Hy Lạp, chứng khoán duy trì sắc xanh, vàng bị chốt lời

(ĐTCK) Kết quả cuộc tổng tuyển cử của Hy Lạp hôm chủ Nhật với chiến thắng thuộc về liên minh cánh tả Syriza, vốn chống chính sách thắt lưng buộc bụng khiến giới đầu tư có chút lo lắng. Tuy nhiên, nỗi lo này nhanh chóng đi qua nhờ các thông tin tốt hỗ trợ.

Nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với nỗi lo về chiến thắng của liên minh cánh tả Syriza, vốn phản đối quyết liệt chính sách thắt lưng buộc bụng hiện tại Hy Lạp trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra hôm Chủ nhật vừa qua. Syriza chiến thắng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng Hy Lạp có thể rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và có thể gây khủng hoảng cho khu vực.

Nền kinh tế của Hy Lạp quá nhỏ và không mấy ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, tuy nhiên, nếu khủng hoảng lan ra cả khu vực, thì các công ty đa quốc giá sẽ chịu tổn thất nặng. Vì vậy, nhà đầu tư có lý do để có chút dè dặt khi bước vào tuần giao dịch mới.

Tuy nhiên, cổ phiếu năng lượng vọt tăng sau tuyên bố của Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã lấn át nỗi lo về tình hình Hy Lạp, giúp phố Wall hồi phục nhanh và đóng cửa với mức tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Dow Jones lên 6,1 điểm (+0,03%), lên 17.678,70 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,27 điểm (+0,26%), lên 2.057,09 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,88 điểm (+0,29%), lên 4.771,76 điểm.

Hiện thị trường cũng đang bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh. Với 19% số công ty trong S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận, 71,6% đạt hoặc vượt kỳ vọng so với mức trung bình dài hạn là 66%, trong khi 54,7% vượt dự báo doanh thu, thấp hơn mức trung bình dài hạn 61%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Hy Lạp giảm mạnh sau kết quả bầu cử, các các chỉ số chính trên thị trường châu Âu đều tăng điểm khi dư âm của các biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn còn. Ngoài ra, mối lo của Hy Lạp dường như đã được phản ánh vào thị trường từ trước đó khi các cuộc thăm dò đều cho thấy, chiến thắng sẽ thuộc về liên minh cánh tả Syriza.

Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn nhận được thông tin tích cực khi chỉ số niềm tin của Đức trong tháng 1/2015 tăng lên mức 106,7 từ mức 105,5 của tháng 12/2014.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 19,57 điểm (+0,29%), lên 6.852,4 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 148,75 (+1,40%), lên 10.798,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 34,44 điểm (+0,74%), lên 4.675,13 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Hy Lạp cũng đem lại chút lo lắng cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lo ngại này không quá lớn khi giới đầu tư đánh giá khả năng Hy Lạp tách khỏi eurozone là rất thấp. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng điểm, bỏ qua những lo lắng từ Hy Lạp và eurozone.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 43,23 điểm (-0,25%), xuống 17.468,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 59,45 điểm (+0,24%), lên 24.909,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 31,42 điểm (+0,94%), lên 3.383,18 điểm.

Trong khi chứng khoán duy trì đà tăng, thì vàng bị chốt lời mạnh sau khi leo lên mức cao 5,5 tháng trong phiên đầu tuần và quay đầu giảm mạnh. Ngoài ra, việc đồng USD lên mức cao nhất 12 năm cũng gây áp lực lên giá vàng.

Mặc khác, giá vàng tăng mạnh tuần qua khi nỗi lo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như những lo lắng từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Tuy nhiên, cũng giống như thị trường chứng khoán, câu nói “mua khi tin đồn, bán khi có tin thực tế” đã đúng với thị trường vàng trong phiên đầu tuần mới.

Sau khi thông tin từ ECB, Hy Lạp đã được đưa ra, giới đầu tư bắt đầu hướng tới cuộc họp của Ủy ban thị trường mở thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FOMC) trong tuần này.

Kết thúc phiên 26/1, giá vàng giao ngay giảm 12,8 USD (-0,99%), xuống 1.281,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 trên sàn Comex giảm 13,2 USD/ounce (-1,02%), xuống 1.279,4 USD/ounce.

Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri cho biết, dầu có thể đã chạm sàn và sẽ sớm đi lên. Sau phát biểu này, giá dầu đã hồi phục từ mức thấp, dù vậy, đây chỉ là mức thoáng qua, bởi thực tế nguồn cung vẫn đang lớn hơn cầu, nên giá lại giảm trở lại.

Kết thúc phiên 26/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,44 USD/thùng (-0,97%), xuống 45,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,63 USD (-1,31%), xuống 48,16 USD/thùng.

Tin bài liên quan