Phố Wall phục hồi trở lại trong phiên đầu tuần mới (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall phục hồi trở lại trong phiên đầu tuần mới (Ảnh minh họa: AFP)

Bỏ qua lo ngại từ Fed, giới đầu tư trở lại với chứng khoán

Cùng với dữ liệu kinh tế khả quan, giọng điệu ít “hiếu chiến” hơn của lãnh đạo Fed giúp phố Wall hồi phục mạnh trong phiên đầu tuần mới.

Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục ảnh hưởng từ bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed trong hội nghị cuối tuần trước. Sau bài phát biểu này, khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay đã lớn dần. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Fed, Staley Fischer còn thể hiện việc thắt chặn chính sách tiền tệ ngay trong tháng 9, nhưng cũng để ngỏ khả năng trong tháng 12.

Dù vẫn thể hiện “tính diều hâu” về chính sách tiền tệ, nhưng theo giới đầu tư, giọng điệu của ông Fischer đã ít “hiếu chiến” hơn so với phát biểu của ông cách đây 1 tuần. Do đó, nhà đầu tư đã yên tâm trở lại với thị trường chứng khoán sau khi rút ra trong tuần trước để chờ đợi bài phát biểu của bà Yellen.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế vừa công bố tích cực cũng hỗ trợ rất nhiều cho phố Wall trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ tăng 0,3% trong tháng 7 sau khi tăng 0,5% trong tháng 6 và đây là tháng tăng thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Dow Jones tăng 107,59 điểm (+0,58%), lên 18.502,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,34 điểm (+0,52%), lên 2.180,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,41 điểm (+0,26%), lên 5.232,33 điểm.

Trong khi đó, phát biểu của các quan chức Fed vẫn khiến giới đầu tư châu Âu lo lắng, đẩy chứng khoán khu vực này giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới sau khi tăng điểm trong phiên cuối tuần trước.

Ngoài ra, việc giá dầu thô giảm mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực tới xu hướng của chứng khoán châu Âu trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số DAX tại Đức giảm 43,33 điểm (-0,41%), xuống 10.544,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 17,62 điểm (-0,40%), xuống 4.424,25 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trái ngược với chứng khoán châu Âu và Hồng Kông chịu ảnh hưởng tiêu cực sau bài phát biểu của bà Yellen cuối tuần trước, chứng khoán Nhật Bản lại tăng vọt trong phiên đầu tuần, lên mức cao nhất 1 tuần rưỡi sau khi bài phát biểu này khiến đồng yên giảm mạnh so với đồng USD.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 376,78 điểm (+2,3%), lên 16.737,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 88,20 điểm (-0,39%), xuống 22.821,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,46 điểm (-0,02%), xuống 3.070,02 điểm.

Trên thị trường vàng, giá vàng chủ yếu lình xình trong suốt phiên giao dịch đầu tuần mới và đóng cửa chỉ có mức tăng nhẹ do ít có thông tin tác động.

Kết thúc phiên 29/8, giá vàng giao ngay tăng 2,7 USD (+0,2%), lên 1.323,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,1 USD (+0,23%), lên 1.327,1 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, sau 2 phiên tăng mạnh liên tiếp cuối tuần trước, giá dầu thô đã giảm hơn 1% trong phiên đầu tuần mới do lo ngại về khả năng dư cung.

Cụ thể, theo thăm dò của Reuters, kho dự trữ dầu thô của Mỹ có khả năng tăng tuần thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,3 triệu thùng trong tuần trước.

Trong khi đó, phiến quân Nigeria cam kết sẽ chấm dứt tình trạng tấn công vào các đường ống dẫn dầu, ngành công nghiệp số 1 của nước sản xuất lớn dầu thô lớn nhất châu Phi.

Kết thúc phiên 29/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,66 USD/thùng (-1,4%), xuống 46,98 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,66 USD (-1,34%), xuống 49,26 USD/thùng.

Tin bài liên quan