Bỏ phiếu Brexit: Khó đoán kết quả

Bỏ phiếu Brexit: Khó đoán kết quả

Một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý mang tính quyết định đối với tương lai của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU), những lý lẽ để thuyết phục cử tri đều đã được cả hai phe ủng hộ Brexit (Anh rời EU) lẫn phe phản đối đưa ra, các cuộc tranh luận gay gắt về thiệt hại và lợi ích của Brexit cũng đến hồi kết.     

Tuy nhiên, hầu như chưa thể dự đoán được kịch bản cuối cùng bởi vấn đề "ra đi" hay "ở lại" vẫn gây chia rẽ tại nước Anh. Kết quả thăm dò mới nhất của hãng IG công bố tối 21/6 cho thấy phong trào vận động Anh ở lại đã thu hút được 45% cử tri ủng hộ, trong khi tỷ lệ này ở phe vận động rời khỏi EU là 44%.

Trong suốt thời gian qua, tỷ lệ ủng hộ và phản đối liên tục thay đổi và hầu như không chênh lệch đáng kể.

Tuần lễ cuối cùng trước ngày diễn ra cuộc trưng cầu đánh dấu bằng một bi kịch khi nữ nghị sĩ Công đảng Jo Cox - một trong những nghị sỹ Anh đầu tiên lên tiếng ủng hộ Anh ở lại EU - bị một kẻ bài ngoại đâm và bắn chết ngay trên đường phố trước một cuộc tiếp xúc cử tri.

Là người luôn phản đối Brexit và nhiệt tình bảo vệ một xã hội Anh đa dạng có sự đóng góp của người nhập cư, sự ra đi đột ngột và oan ức của nhà lập pháp trẻ không chỉ khiến nước Anh bàng hoàng mà còn tạo ra một khoảng lặng hiếm thấy giữa lúc các phe ủng hộ và phản đối EU đang chạy đua quyết liệt để vận động cử tri đứng về phía mình trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Có thể thấy ngay trước khi Thủ tướng Anh David Cameron công bố tiến hành cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 để người dân tự quyết định có tiếp tục hay thôi làm thành viên EU, trong xã hội Anh đã tồn tại hai luồng dư luận trái ngược nhau về liên minh mà Anh đã đứng chung trong suốt hơn 4 thập niên này.

Một trong những luận điểm mà phe vận động rời khỏi EU đưa ra chính là việc nước Anh không thể kiểm soát được lượng người nhập cư với hơn một nửa trong số đó đến từ các nước thành viên EU. Nghịch lý ở đây là trong khi 46% người Anh nghĩ rằng người nhập cư từ EU tốt cho nền kinh tế Anh, cao gấp rưỡi so với 30% có suy nghĩ ngược lại, thì trên 55% nói rằng người nhập cư tác động tiêu cực đến dịch vụ y tế quốc gia (NHS).

Giải quyết bài toán nhập cư chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với Chính phủ của Thủ tướng Cameron, người từng tuyên bố sẽ đưa lượng nhập cư ròng hàng năm - chênh lệch giữa số người đến Anh sinh sống với số người rời nước Anh - xuống vài chục nghìn, nhưng trên thực tế con số này là hơn 333.000 người vào năm 2015.

Sự phát triển của các cộng đồng người nhập cư đã gây tâm lý bất mãn đối với một bộ phận không nhỏ người Anh để từ đó hình thành những đảng có quan điểm chống nhập cư như Nước Anh trước hết (Britain First) hay đảng Độc lập Anh (UKIP) chống cả nhập cư lẫn EU.

Dù UKIP không được xem là phong trào vận động chính thức rời khỏi EU, nhưng thủ lĩnh Nigel Farage trong thời gian gần đây liên tục đăng đàn diễn thuyết để lôi kéo cử tri. Tấm áp phích cúa UKIP vận động Anh rời khỏi EU thể hiện hình ảnh đám đông tắc nghẽn với thông điệp "trường học quá tải" chính là nhằm vào vấn đề người nhập cư đang khiến cả châu Âu đau đầu.

Giữa lúc các cuộc vận động đang diễn ra nước rút và tỷ lệ ủng hộ Brexit vượt lên trên tỷ lệ ủng hộ ở lại, việc nữ nghị sỹ Cox bị một kẻ bài ngoại sát hại dã man ngay giữa thanh thiên bạch nhật hôm 16/6 khiến người ta phải suy ngẫm rằng phải chăng tâm lý chán ghét người nhập cư đã lên đến đỉnh điểm tại Anh để đến nỗi một người ủng hộ người nhập cư như nghị sỹ Cox phải chết oan uổng, hay là cử tri bị kích động bởi những hình ảnh và ngôn từ phản đối nhập cư của phe vận động Brexit.

Có lý do để tin vào vế thứ hai khi hồi đầu tuần, cựu thành viên Nội các của Thủ tướng Cameron, bà Sayeeda Warsi đã tuyên bố rút sự ủng hộ dành cho phe vận động rời khỏi EU để bỏ phiếu giữ nước Anh ở lại liên minh.

Lý giải về quyết định của mình, bà Warsi – người từng đi vào lịch sử chính trường Xứ sở sương mù khi trở thành người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Nội các Anh năm 2010 - chỉ ra rằng "sẵn sàng nói dối để gieo rắc sự thù ghét và tâm lý bài ngoại nhằm giành chiến thắng trong một cuộc trưng cầu là bước đi quá xa."

Thực tế cho thấy tại Vương quốc Anh, những người trẻ tuổi có xu hướng ủng hộ Anh ở lại EU nhiều hơn so với những người lớn tuổi. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy 69% những người được hỏi dưới 35 tuổi muốn Anh ở lại EU, trong khi 46% số người được hỏi trên 55 tuổi ủng hộ kịch bản Brexit.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ từ trước tới nay, các cử tri trẻ tuổi thường không quan tâm nhiều tới việc đi bỏ phiếu. Đây sẽ là một thách thức đối với phe ủng hộ ở lại EU. Cũng vì lẽ đó, trong nỗ lực cuối cùng kêu gọi cử tri Anh bỏ phiếu ở lại EU, Thủ tướng Anh David Cameron đặc biệt hướng tới những cử tri lớn tuổi.

“Hãy đưa ra quyết định vì tương lai của chính mình và tương lai của thế hệ mai sau, hãy nghĩ tới niềm hy vọng và ước mơ của các thế hệ con cháu” - đó là những gì người đứng đầu chính phủ Anh muốn nhắn gửi.

Liệu đa số cử tri Anh sẽ đánh dấu chữ thập vào dòng "Vẫn là một thành viên EU" hay dòng "Rời khỏi EU"? Câu trả lời chỉ có thể có được sau 21 giờ ngày 23/6 (giờ Anh), khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa và công tác kiểm phiếu bắt đầu.

Tuy nhiên, bất luận kết quả ra sao thì câu chuyện Brexit có lẽ vẫn chưa thể chấm dứt thực sự. Nếu nước Anh ở lại, những chia rẽ trong chính giới Anh về vấn đề này có thể khiến hàng loạt chính trị gia vốn ủng hộ Brexit phải ra đi, trong khi tâm lý bất bình của một bộ phận không nhỏ người dân Anh đối với EU có thể còn gia tăng hơn nữa...

Còn nếu nước Anh rời khỏi "ngôi nhà chung," cho tới nay mọi kịch bản "hậu Brexit" đều chưa thể lường hết được. Và những bất đồng trong nội bộ nước Anh liên quan tới EU khó có thể dàn xếp trong “một sớm, một chiều.”

Nước Anh, EU và thế giới đang "nín thở" chờ đợi thời khắc quyết định mang tính lịch sử này.

Tin bài liên quan