Bộ đôi quyền lực dẫn dắt Didi vượt mặt đối thủ Uber tại Trung Quốc

Bộ đôi quyền lực dẫn dắt Didi vượt mặt đối thủ Uber tại Trung Quốc

(ĐTCK) Được mệnh danh là “Uber của Trung Quốc”, Didi Chuxing thực tế đang lấn át cả Uber lẫn các đối thủ khác của mình tại thị trường đông dân nhất thế giới. Ai là người đã dẫn dắt Didi chiếm lĩnh đến 99% thị phần ứng dụng gọi taxi tại quốc gia này?

Didi Chuxing là kết quả của cuộc hợp nhất giữa hai công ty: Didi Dache và Kuaidi Dache. Ngay từ khi mới thành lập năm 2012, cả Didi Dache lẫn Kuaidi Dache đều nhận được sự ủng hộ từ các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Trong khi Didi Dache được hỗ trợ vững chắc bởi Tencent, nhà phát triển ứng dụng lớn của Trung Quốc cũng như ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Kuaidi Dache cũng đã thu hút đầu tư từ gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.

Hai ứng dụng này đã hợp nhất vào tháng 2/2015, lấy tên là Didi Kuaidi (sau đó đổi thành Didi Chuxing) và ngày càng mở rộng quy mô. Công ty đã phát triển từ dịch vụ gọi taxi thành một trong những mạng lưới vận tải một cửa lớn nhất thế giới, cung cấp nhiều dịch vụ vận tải như taxi, xe bus, đi chung xe và cho thuê tài xế.

Hiện Didi Chuxing cung cấp khoảng 11 triệu chuyến xe mỗi ngày, có khoảng hơn 300 triệu người sử dụng tại hơn 400 thành phố của Trung Quốc. Mới đây, Apple đã trở thành nhà đầu tư chiến lược quan trọng của Didi sau khi rót vào công ty này nguồn vốn 1 tỷ USD.

Có thể thấy, Didi Chuxing đang bước những bước rất dài và chắc chắn trên con đường phát triển của mình. Sự lớn mạnh của Didi hôm nay không phải chỉ nhờ sự hậu thuẫn vững vàng của Tencent hay Alibaba, mà còn được quyết định bởi một đội ngũ lãnh đạo tuyệt vời, trong đó Cheng Wei và Jean Liu là hai người có vai trò chủ chốt. 

Cheng Wei: Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành

Trên thị trường startup khổng lồ của Trung Quốc, bên cạnh những nhân vật nổi tiếng như Jack Ma của Alibaba, Robin Li của Baidu, cái tên Cheng Wei của Didi Chuxing giờ đây đã trở nên không quá xa lạ.

Cheng Wei sinh năm 1983, là cử nhân ngành Công nghệ hóa học của Đại học Bắc Kinh. Trước khi bắt đầu với Didi, anh từng có 8 năm làm việc cho Alibaba với nhiều vị trí khác nhau, nổi bật trong số đó là vị trí Phó Chủ tịch của Alipay (kênh trung gian thanh toán của các trang thương mại điện tử ở Trung Quốc) ngay từ khi còn rất trẻ.

Ý tưởng sáng lập Didi đến với Cheng Wei cũng rất tự nhiên. Cheng thường xuyên bị nhỡ các chuyến bay, trễ giờ do gặp trục trặc với việc tìm taxi. Anh cũng không biết lái xe. Didi ra đời chính từ mong muốn giải quyết nhu cầu thiết thực đó. Ngay từ khi thành lập Didi Dache, Cheng đã nuôi ý định sáp nhập với Kuaidi Dache để mở rộng quy mô, lấn sân sang các lĩnh vực vận tải mới chưa có ai làm. Với Didi, khách hàng có thể đặt chỗ trên xe bus, thậm chí được thử lái các xe hạng sang.

Chia sẻ với báo giới, Cheng Wei cho rằng, Didi và Uber chưa bao giờ giống nhau. “Didi không muốn được gọi là “Uber của Trung Quốc”. Tại đây, chúng tôi đã dành được hơn 80% thị phần xe cho thuê, còn Uber thì không.”

Jixun Foo - đối tác quản lý tại GGV Capital (một công ty đã đầu tư vào Didi trước thương vụ sáp nhập) nhận xét về Cheng Wei: “Anh ấy có một tầm nhìn dài hạn về công việc kinh doanh. Anh ấy rất biết nhìn xa trông rộng.” 

Jean Liu: Chủ tịch công ty

Jean Liu sinh năm 1978, là cử nhân Đại học Bắc Kinh, thạc sỹ Đại học Harvard ngành Khoa học máy tính. Cô là con gái của một nhân vật huyền thoại trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc - Liu Chuanzhi, nhà sáng lập hãng máy tính Lenovo. Trước khi được Cheng Wei mời về làm Giám đốc điều hành Didi năm 2014, Jean Liu đã có 12 năm làm việc tại Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs.

Để vào được ngân hàng danh tiếng này, cô đã phải vượt qua 18 vòng phỏng vấn, bắt đầu làm việc với vị trí nhân viên phân tích và trở thành một trong những giám đốc trẻ tuổi nhất trong lịch sử của ngân hàng này. Cô cũng từng thử sức ở nhiều lĩnh vực khác như thời trang, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp.

Đầu năm 2015, ngay trước thương vụ sáp nhập của Didi Dache với Kuaidi Dache, Jean Liu đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Công ty. Nói về Jean Liu, Jixun Foo cho rằng: “Cô ấy chính là phép cộng tuyệt vời dành cho đội ngũ của Didi.” Ở cương vị Chủ tịch, cô có một lịch làm việc dày đặc, chỉ rời Công ty sau 9 giờ tối để về nhà cho con ngủ, rồi sau đó lại tiếp tục với cuộc họp vào lúc đêm muộn.

Jean Liu chia sẻ: “Mục tiêu của Didi là trong vòng ba năm phục vụ được khoảng 30 triệu người một ngày, bằng cách giúp họ tìm được một chiếc taxi, xe bus hoặc bất kỳ phương tiện giao thông nào trong vòng 3 phút.”

Cũng trong năm 2015, Jean Liu được Fortune bình chọn là một trong 25 nữ doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc đại lục.

Năm nay, Jean Liu sẽ là người cầm ngọn đuốc chính thức đại diện cho Trung Quốc tại Thế vận hội mùa hè ở Rio de Janeiro.

Tin bài liên quan