Hình ảnh nhà máy của Esquel Group tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương, Việt Nam (ảnh: Bloomberg)

Hình ảnh nhà máy của Esquel Group tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương, Việt Nam (ảnh: Bloomberg)

Bloomberg: Việt Nam, công xưởng mới của châu Á

(ĐTCK) Trang tin kinh tế Bloomberg lại vừa có bài viết mới cho thấy sức mạnh trong ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo Bloomberg, Việt Nam đang trở thành công xưởng mới nhất tại châu Á.

Nếu bạn nghĩ các nhà máy khổng lồ ở châu Á chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, thì nay hãy chào đón cái tên mới: Việt Nam. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam liên tục tăng trưởng, luôn ở mức trên 50 điểm mỗi tháng kể từ tháng 8/2013, theo số liệu của HSBC và Markit Economics.

Kết quả này vượt trội hơn so với tất cả các quốc gia châu Á mà HSBC và Markit theo dõi. Để so sánh, chỉ số PMI của Trung Quốc đã tụt giảm trong 8 tháng trong cùng giai đoạn trên. PMI của Thái Lan, được chính phủ nước này đo lường, cũng đã giảm trong 22 tháng cho tới tháng 1/2015.

Bloomberg: Việt Nam, công xưởng mới của châu Á ảnh 1

 Chỉ số PMI của Việt Nam cho thấy lĩnh vực sản xuất đã mở rộng trong 19 tháng liên tục

Trong báo cáo về số liệu kinh tế Việt Nam trong tháng 3 này, HSBC và Markit cho rằng: “Việc môi trường kinh doanh được cải thiện đã thúc đẩy sự tăng trưởng sản xuất, thể hiện ở cả đầu ra và lượng đơn đặt hàng mới”. Các công ty Việt Nam có đủ khả năng thực hiện thêm nhiều đơn hàng mới cả từ thị trường nội địa và khách hàng xuất khẩu.

Thêm vào đó, Andrew Harket, chuyên gia kinh tế tại Markit cho biết: “Việc giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế giảm xuống tiếp tục tạo điều kiện để các sản phẩm đầu ra có giá rẻ hơn nữa”.

Trong năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất tới Mỹ trong số 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean). Cùng với vị trí chiến lược, dân số trẻ và mức lương thấp hơn so với Trung Quốc, Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung Electronics, Intel và Siemens, bên cạnh các ngành may mặc và da giày.

Tại Việt Nam, tiền lương vẫn ở mức thấp, tiền lương trung bình mỗi tháng vào khoảng 197 USD năm 2013, so với mức 391 USD/tháng tại Thái Lan và 613 USD/tháng ở Trung Quốc, theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Dân số ở đây cũng trẻ trung hơn: chỉ 6% dân cư có độ tuổi trên 65, so với 10% tại Trung Quốc, Thái Lan và gần 13% tại Hàn Quốc.

Tất nhiên, phần lớn công nhân Việt Nam hiện đang làm việc trong các xưởng sản xuất vải vóc, quần áo, đồ gia dụng và điện tử với mức lương thấp. Điều này có thể sẽ thay đổi, khi các công ty đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D).

Chính mức lương thấp cũng gây ra tình trạng bất ổn hiện nay tại Việt Nam. Mới đây, hàng ngàn công nhân tại TP. HCM đã tiến hành bãi công trong cả tuần nhằm phản ứng trước những thay đổi mới về chính sách lương hưu. Đây có lẽ là vết xước nhỏ duy nhất đối với sự tăng trưởng sản xuất không ngừng tại Việt Nam thời gian qua.

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI): Là chỉ số tổng hợp dựa trên 5 chỉ số chính, bao gồm: Các đơn đặt hàng mới, mức hàng tồn kho, tình hình sản xuất, tình trạng giao hàng và môi trường làm việc. Mỗi chỉ số có tỷ trọng khác nhau và được điều chỉnh theo các nhân tố nhất định. Chỉ số được thu thập từ cuộc điều tra của hơn 300 trưởng phòng mua hàng khắp quốc gia trong hơn 20 ngành làm việc khác nhau.

Chỉ số lớn hơn 50 có nghĩa là các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đang được mở rộng, còn nhỏ hơn 50 có nghĩa là các hoạt đọng trong lĩnh vực sản xuất đang bị thu hẹp. Đây là chỉ số cực kỳ quan trọng với thị trường tài chính vì nó là chỉ số tốt nhất thể hiện sức sản xuất. PMI không như mong đợi và đặc biệt là phần các đơn đặt hàng mới có ảnh hưởng rất lớn tới việc dự đoán các hoạt động sản xuất trong các tháng tiếp theo.

Tin bài liên quan