Biên bản cuộc họp của Fed làm yên lòng nhà đầu tư

Biên bản cuộc họp của Fed làm yên lòng nhà đầu tư

(ĐTCK) Đang lo lắng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sau phát biểu của ông Trump trước đó, giới đầu tư bất ngờ nhận được sự hỗ trợ với thông tin đưa ra từ biên bản cuộc họp gần nhất của Fed.

Sau phiên sụt giảm hôm thứ Ba sau ý kiến của Tổng thống Trump về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa có kết quả như mong muốn và Mỹ chưa hề có ý định dỡ bỏ lệnh cấm vận với tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư nhờ thông tin tích cực từ Fed.

Theo đó, biên bản cuộc họp mới nhất của Fed vừa công bố cho thấy, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng, khả năng tăng lãi suất được đảm bảo “sớm” nếu triển vọng kinh tế Mỹ vẫn tốt. Nhiều nhà hoạch định nhận thấy có ít bằng chứng về tình trạng quá nóng của thị trường lao động.

Biên bản này cho thấy, áp lực lạm phát cao có thể không dẫn tới việc tăng lãi suất nhanh hơn của Fed. Trong năm nay, cơ quan này dự kiến sẽ có 3 đợt tăng lãi suất, trong đó đợt tăng đầu tiên đã diễn ra hồi tháng 3, đợt tăng thứ 2 được dự đoán sẽ được thực hiện trong cuộc họp ngày 12-13/6.

Sau biên bản cuộc họp trên được công bố, phố Wall vốn nhạy cảm với vấn đề lãi suất đã hồi phục mạnh dù suốt thời gian trước đó giao dịch dưới tham chiếu do bị ảnh hưởng bởi phát biểu trước đó của ông Trump về cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Kết thúc phiên 23/5, chỉ số Dow Jones tăng 52,40 điểm (+0,21%), lên 24.886,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,85 điểm (+0,32%), lên 2.733,29 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 47,50 điểm (+0,64%), lên 7.425,96 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu thoát hiểm trong phiên thứ Ba do đóng cửa sớm, thì ý kiến của ông Trump về thương mại Mỹ - Trung đã được phản ánh trong phiên thứ Tư khi đồng loạt các chỉ số chính lao dốc, giảm mạnh trên 1%.

Kết thúc phiên 23/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 89,01 điểm (-1,13%), xuống 7.788,44 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 193,08 điểm (-1,47%), xuống 12.976,84 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 74,25 điểm (-1,32%), xuống 5.565,85 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ý kiến của ông Trump về việc cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa đạt được kết quả như mong muốn và Mỹ chưa hề có ý định về việc bỏ lệnh trừng phạt với tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE khiến chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất 1 tháng, chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên giảm mạnh nhất 7 tuần.

Kết thúc phiên 23/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 270,60 điểm (-1,18%), xuống 22.689,74  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 568,71 điểm (-1,82%), xuống 30.665,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 45,39 điểm (-1,41%), xuống 3.168,96 điểm.

Giá vàng lại giằng co lình xình và đóng cửa tăng nhẹ trong phiên thứ Tư sau khi biên bản cuộc họp của Fed công bố cho thấy, cơ quan này ít có khả năng tăng tốc độ tăng lãi suất dù áp lực lạm phát và sức nóng của thị trường lao động.

Kết thúc phiên 23/5, giá vàng giao ngay tăng 2,4 USD (+0,19%), lên 1.293,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 2,4 USD/ounce (-0,19%), xuống 1.289,6 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm nhẹ trong phiên thứ Tư khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 5,8 triệu thùng trong tuần trước, kho dự trữ xăng cũng tăng 1,9 triệu thùng, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Ngoài ra, OPEC có thể tăng sản lượng trong tháng 6 khi có sự sụt giảm sản lượng từ Venezuela do chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Kết thúc phiên 23/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,36 USD (-0,50%), xuống 71,84 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,23 USD (+0,29%), lên 79,80 USD/thùng.

Tin bài liên quan