Thêm những thông tin mới được công bố khi phố Wall bước vào phiên giao dịch ngày thứ Ba. Theo đó, cuộc điều tra về tuyển dụng và tiền lương lao động cho thấy, số việc làm tính đến cuối tháng 2 là 5,1 triệu, mức cao nhất kể từ tháng 1/2001, nhưng ít thay đổi so với tháng trước. Số xa thải giảm nhẹ, nhưng cũng tương tự con số của tháng Giêng. Dù vậy, do số người trong độ tuổi lao động giảm đi, nên tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm theo.
Theo các nhà phân tích, hiện thị trường đang trong tình trạng tin xấu là tin tốt. Các thông tin xấu càng được đưa ra, thì khả năng Fed hoãn tăng lãi suất càng lớn và đó lại là tin tốt cho thị trường.
Chủ tịch Fed Minneapolis, Narayana Kocherlakota cho biết, Cục Dự trữ Liên bang có thể chờ đợi cho đến nửa sau của năm 2016 để bắt đầu nâng lãi suất và sau đó nâng cao dần dần lên 2% vào cuối năm 2017.
Những thông tin trên giúp phố Wall tiếp tục tăng mạnh khi bước vào phiên giao dịch hôm thứ Ba và duy trì sắc xanh gần như toàn bộ trong phiên, trước khi quay đầu giảm trong ít phút cuối phiên. Thị trường tăng mạnh sau thông tin việc làm yếu kém, nên giới đầu tư đã tranh thủ chốt lời trước khi thị trường bước vào mua báo cáo kết quả kinh doanh quý I bắt đầu tư thứ Tư và cùng ngày, biên bản cuộc họp tháng 3 của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed cũng được công bố.
Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Dow Jones giảm 5,43 điểm (-0,03%), xuống 17.875,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,29 điểm (-0,21%), xuống 2.076,33 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,08 điểm (-0,14%), xuống 4.910,23 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu khởi sắc ngay phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu viễn thông, bắt nguồn từ cổ phiếu TNT Express. Ngoài ra, sự khởi sắc của phố Wall cũng giúp chứng khoán châu Âu thêm hứng khởi.
Kết thúc phiên 7/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 128,31 điểm (+1,88%), lên 6.961,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 156,13 điểm (+1,30%), lên 12.123,52 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 77,05 điểm (+1,52%), lên 5.151,19 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trở lại, lên mức cao nhất 2 tuần trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ chưa sớm tăng lãi suất sau dữ liệu việc làm yếu kém được công bố trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tăng mạnh, lên mức cao bảy năm mới nhờ thông tin về kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong quý I vừa được công bố.
Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 241,96 điểm (+1,25%), lên 19.640,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 192,89 điểm (+0,77%), lên 25.275,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 97,45 điểm (+2,52%), lên 3.961,38 điểm.
Trên thị trường vàng, việc đồng USD hồi phục và lấy lại được những gì đã mất trong phiên đầu tuần khiến giá kim loại quý quay đầu giảm sau khi leo lên mức cao nhất gần 7 tuần trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 7/4, giá vàng giao ngay giảm 6,3 USD (-0,52%), xuống 1.207,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 8 USD/ounce (-0,66%), xuống 1.210,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 8 USD/ounce (-0,66%), xuống 1.210,6 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh hơn 3% sau khi tăng 6% trong ngày đầu tuần. Giá dầu tăng sau thông tin Ả Rập Saudi tăng giá bán dầu của mình đối với các khách hàng. Trước đó, nhằm giữ thị phần, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất OPEC đã giảm khá mạnh giá bán cho khách hàng. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch hôm nay (8/4), giá dầu đang chịu áp lực điều chỉnh khi Mỹ cho biết, kho dự trữ dầu của mình tuần trước tăng mạnh, trong khi sản lượng khai thác của Ả Rập Saudi cũng tăng lên mức 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Kết thúc phiên 7/4, giá dầu thô Mỹ tăng 1,84 USD/thùng (+3,41%), lên 53,98 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,98 USD (+1,66%), lên 59,10 USD/thùng.