Bất ổn đang gia tăng với thị trường chứng khoán

Bất ổn đang gia tăng với thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Tháng 3 đánh dấu năm thứ 7 TTCK Mỹ tăng trưởng tốt. Nếu chỉ số S&P 500 tiếp tục xu hướng tăng đến cuối tháng 5, các NĐT sẽ chứng kiến một giai đoạn thị trường tăng dài thứ 2 trong lịch sử. Điều này dẫn đến câu hỏi: liệu xu hướng tăng này đã kéo dài đủ lâu và đến lúc đảo chiều? Nếu vậy, chúng ra nên làm gì để tự vệ trước xu hướng suy giảm?

Câu hỏi đầu tiên luôn khó để trả lời một cách chắc chắn. Điều này được minh chứng trong quý I, khi TTCK Mỹ giảm hơn 10% từ đầu năm cho đến giữa tháng 2, và chỉ bật tăng trở lại hơn 13% vào cuối quý với mức tăng ròng.

 Ông Steve Brice

Tuy nhiên, hiện chưa phải lúc để nghỉ ngơi trên sự phục hồi của các loại tài sản có tính rủi ro cao, bao gồm sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng hóa, cổ phiếu của các thị trường đang nổi, các trái phiếu lợi suất cao được bán hết và trở nên khan hiếm.

Chúng tôi cho rằng, đợt tăng vừa rồi là cơ hội để phần nào đó tái cân bằng từ các loại chứng khoán sang các tài sản có tính “tự vệ” cao hơn, như trái phiếu, và các chiến lược thay thế để giảm bớt sự ảnh hưởng của TTCK. 

Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 là đợt tăng dài thứ tư trong 1 thế kỷ trở lại đây. Nền kinh tế Mỹ đã và đang phục hồi nhờ nhu cầu nhà ở, mua ô tô và các loại hàng hóa tiêu dùng có thời gian sử dụng lâu bền khác tăng trở lại.

Thêm nữa, chi phí đi vay gần chạm mức đáy, lạm phát duy trì ở mức thấp và các NHTW trên khắp thế giới ngày càng cẩn trọng hơn, nền kinh tế Mỹ tiếp tục tạo việc làm ở mức ổn định và duy trì nền kinh tế có động lực tăng trưởng chính là nhu cầu tiêu dùng trong một thời gian lâu hơn. Đợt hạ giá đồng USD gần đây và sự phục hồi của giá dầu cũng giảm áp lực lên lĩnh vực xuất khẩu và năng lượng của Mỹ.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc có vẻ như đang đi vào ổn định. Với việc các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh khởi động chính sách tài khóa và tiền tệ để bảo vệ tăng trưởng, tạm cho là cái giá của sự đổi mới, nền kinh tế này có thể sẽ tránh được kịch bản “hạ cánh cứng”. 

Những tín hiệu cảnh báo

Tuy nhiên, những dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện từ lĩnh vực DN của Mỹ. Lợi nhuận của khu vực DN Mỹ được trong quý I dự báo sẽ giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, qua đó sẽ là quý giảm thứ 3 liên tiếp. Mặc dù điều này bắt nguồn chính từ lĩnh vực năng lượng và nguyên vật liệu, song đã có những dấu hiệu về sự suy yếu trong nhu cầu, khi doanh thu của các DN ước tính giảm quý thứ 5 liên tiếp. Điều này cần được theo dõi sát sao.

Thêm nữa, mức lương tại Mỹ, điều lâu nay không được chú trọng, có thể sẽ trở thành mối lưu tâm trong những tháng tới khi thị trường việc làm trở nên chặt chẽ hơn. Gần đây, thị trường cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong doanh thu bán ôtô của Mỹ, trái ngược với niềm tin hồi phục của lĩnh vực sản xuất.

Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản lại quay đầu theo chiều hướng bi quan. Khảo sát Tankan hàng quý chỉ ra rằng, các nhà sản xuất không mấy lạc quan với triển vọng của điều kiện kinh doanh và đầu tư khi đồng Yên tăng giá, khiến xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh, việc đàm phán lương diễn ra vào mùa xuân hàng năm cho lĩnh vực sản xuất thì đáng thất vọng, câu hỏi đặt ra là liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể phục hồi tăng trưởng và lạm phát. Điều này cũng gây ra mối hoài nghi về sự thành công của học thuyết Abenomics-kế hoạch của Thủ tưởng Abe nhằm phục hồi nền kinh tế thông qua kích cầu tiền tệ và tài khóa và tái cấu trúc. 

Đã đến lúc cẩn trọng hơn

Tất cả những luồng thông tin tiêu cực này cho thấy, chúng ta cần phải cẩn trọng.

Chúng tôi cho rằng, mặc dù các loại chứng khoán sẽ vẫn mang đến lợi nhuận tích cực, nhưng bất ổn xung quanh mức lợi nhuận này đã và đang gia tăng đáng kể. Theo đó, sau nhiều năm chú trọng vào các loại chứng khoán, đã đến lúc tiếp cận cân bằng hơn. Đối với các NĐT quan tâm đến nhiều loại tài sản, đợt tăng gần đây mang đến cơ hội đề chuyển hướng rủi ro sang một hướng đảm bảo hơn, tập trung vào trái phiếu và các lại tài sản thay thế.

Trong lĩnh vực thu nhập cố định, nên quan tâm nhiều đến tín dụng DN, đặc biệt là trái phiếu ở điểm đầu tư của Mỹ và trái phiếu có lợi suất cao. Theo chúng tôi, dù trái phiếu có nguy cơ bị ảnh hưởng từ sự trồi sụt của giá dầu, nhưng mức lợi suất của nó đủ để bù đắp những rủi ro. 

Tại châu Á, chúng tôi sẽ tăng mức cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro cho trái phiếu DN ở điểm đầu tư bằng USD ở tầm khu vực. Chúng tôi có cái nhìn tích cực với nhóm tài sản này, khi sức khỏe của nền kinh tế khu vực tiếp tục duy trì tốt hơn so với các nền kinh tế đang nổi như tại châu Mỹ La tinh và Đông Âu.

Có một rủi ro, đó là sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc có thể dẫn đến sự suy giảm trong chất lượng tín dụng. Điều đó gia tăng sự quan tâm của chúng tôi đối với trái phiếu ở điểm đầu tư trong khu vực.

Tin bài liên quan