Các quan chức Ả Rập Xê út tiến vào hội nghị tại Doha

Các quan chức Ả Rập Xê út tiến vào hội nghị tại Doha

Bất đồng tại Doha, giá dầu tắt hy vọng phục hồi

(ĐTCK) Giá dầu giảm mạnh nhất trong 2 tháng qua sau khi cuộc gặp gỡ tại Doha giữa các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Giá dầu tương lai giảm 6,8% tại New York, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ ngày 1/2. Giá dầu WTI giao tháng 5 giảm 2,75 USD/thùng, xuống còn 37,61 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 6 giảm 3 USD/thùng, tương đương 7%, xuống còn 40,10 USD/thùng tại London.

Cuộc hội nghị giữa các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ mà không đưa ra được một kết luận chung nào. Bộ trường dầu mỏ từ 16 quốc gia, đại diện cho một nửa nguồn cung dầu trên toàn cầu đã tiến hành gặp mặt. Đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy nỗ lực đoàn kết kiểm soát nguồn cung giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia ngoài nhóm sau 15 năm qua.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, đại diện của Iran đã không tham dự, trong khi đại diện từ Ả Rập Xê út và các quốc gia vùng vịnh khác không đồng ý bất kỳ một thỏa thuận nào mà không có sự tham gia đầy đủ của các thành viên OPEC, bao gồm cả Iran.

Cũng theo ông Novak, Nga đã rất ngạc nhiên khi không có thỏa thuận nào được đưa ra. Các quan chức từ Ả Rập Xê út, Quatar, Venezuela và Nga, những người từng đạt được thỏa thuận ngừng tăng sản lượng vào tháng 2, đã đồng ý một bản nháp hiệp định vào ngày thứ Bảy (16/4), một ngày trước khi hội nghị chính thức diễn ra. Tuy nhiên, một số quốc gia đã thay đổi cách nhìn của mình ngày tại hội nghị, dẫn đến những bất đồng khi gặp gỡ.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga, một thỏa thuận ngừng gia tăng sản lượng có thể thúc đẩy quá trình cân bằng cung – cầu trên thị trường trong thời gian sớm hơn, vào khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, do không đạt được thỏa thuận, tình trạng mất cân bằng này có thể kéo dài tới giữa năm 2017.

Tin bài liên quan