Theo số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1/2018 tăng tới 0,5%, cao hơn con số dự báo 0,3% và cao hơn so với mức tăng 0,2% của tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số CPI theo năm vẫn ở mức 2,1%.
Dữ liệu này làm gia tăng lo ngại về khả năng Fed sẽ đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay. Theo công cụ FedWWatch của CME, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 3 đã tăng thêm 7 điểm phần trăm, lên 83,1%. Tuy nhiên, mối lo về lạm phát phần nào được hạn chế khi doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng trước giảm 0,3%, mức giảm lớn nhất trong gần 1 năm và thua xa con số dự báo tăng 0,2% của giới phân tích. Ngoài ra, lạm phát theo năm vẫn không gây ra báo động lớn nào, còn lạm phát cơ bản tăng 1,8%.
Do đó, giới đầu tư trong phiên thứ Tư đã không ngại ngần mua vào trên thị trường chứng khoán, giúp phố Wall có phiên tăng thứ 4 liên tiếp.
Nhà đầu tư trong phiên thứ Tư mua mạnh cổ phiếu của nhóm FAANG (Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet - Google), giúp nhóm cổ phiếu này tăng mạnh, qua đó kéo phố Wall tăng hơn 1%, riêng Nasdaq tăng gần 2%.
Cụ thể, trong phiên thứ Tư, cổ phiếu Facebook tăng 3,7%, Amazon và Apple tăng 1,8%,
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Dow Jones tăng 253,04 điểm (+1,03%), lên 24.893,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,69 điểm (+1,34%), lên 2.698,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 130,10 điểm (+1,86%), lên 7.143,62 điểm.
Sau phiên điều chỉnh hôm thứ Ba, chứng khoán châu Âu đã lấy lại đà tăng trong phiên thứ Tư khi chứng khoán Mỹ phiên trước đó vẫn duy trì đà tăng. Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu cũng trải qua những giây phút thót tim khi Mỹ công bố lạm phát tăng mạnh, khiến các chỉ số chính của khu vực lao dốc, nhưng sau khi nhận thấy phố Wall vững vàng thẳng tiến, chứng khoán châu Âu đã nhanh chóng lấy lại số điểm đã mất và tăng vọt mạnh hơn nữa vào cuối phiên.
Ngoài ra, chứng khoán châu Âu hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Tư còn nhờ kết quả kinh doanh vững chắc của các doanh nghiệp vừa được công bố.
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 45,96 điểm (+0,64%), lên 7.213,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 142,66 điểm (+1,17%), lên 12.339,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 56,03 điểm (+1,10%), lên 5.165,26 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á lại diễn ra sự trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng, thậm chí có lúc chỉ số Nikkei 225 đã xuống dưới đường trung bình 200 ngày do lo ngại về tình hình lạm phát của Mỹ.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục và đặc biệt là Hồng Kông có phiên tăng vọt trong phiên cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Tuy nhiên, thanh khoản sụt giảm mạnh do đa số nhà đầu tư đã nghỉ Tết sớm.
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 90,51 điểm (-0,43%), xuống 21.154,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 676,07 điểm (+2,27%), lên 30.515,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,20 điểm (+0,45%), lên 3.199,16 điểm.
Với áp lực lạm phát gia tăng sau dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng vừa công bố, đồng USD đã giảm mạnh đã giảm mạnh 0,79% trong phiên thứ Tư, phiên giảm thứ 3 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 2 tuần, kéo giá vàng tăng vọt trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất 2 tuần.
Kết thúc phiên 14/2, giá vàng giao ngay tăng 20,9 USD/ounce (+1,57%), lên 1.350,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 23,2 USD/ounce (+1,74%), lên 1.353,6 USD/ounce.
Không chỉ chứng khoán, giá vàng, dầu thô cũng phục hồi trở lại sau chuỗi giảm liên tiếp trước đó khi dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng ít hơn dự báo, cùng với việc đồng USD giảm mạnh và Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út Khalid al-Falih nói rằng, các nhà sản xuất lớn sẽ hợp tác chặt chẽ hơn về thỏa thuận cắt giảm nguồn cung.
Cụ thể, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần trước, kho dữ trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 1,8 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với con số tăng 2,8 triệu thùng theo dự báo của giới phần tích.
Kết thúc phiên 14/2, giá dầu thô Mỹ tăng 1,41 USD (+2,38%), lên 60,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,64 USD (+2,66%), lên 64,36 USD/thùng.