Tăng trưởng yếu
Vào ngày 3/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết tốc độ tăng trưởng trung bình của quốc gia này sẽ không thấp hơn 6,5% trong 5 năm tới. Điều này cho thấy, những người lãnh đạo Đại lục đã sẵn sàng chấp nhận một giai đoạn tăng trưởng yếu hơn kể từ khi mở cửa nền kinh tế cách đây 3 thập kỷ.
Thậm chí, mức mục tiêu kể trên vẫn quá lạc quan, Nariman Behravesh, nhà kinh tế trưởng tại HIS Inc cho biết. Theo ông, mức tăng trưởng trung bình mỗi năm trong thời gian tới của Trung Quốc sẽ trong khoảng từ 5,5% tới 6%.
Theo Danny Gabay, đồng giám đốc Fathom Consulting tại London, cũng giống như những gì Nhật Bản đã thực hiện những năm 1990, Trung Quốc luôn có thặng dư thương mại và đóng vai trò là người cung cấp hàng hóa cho thế giới, thậm chí nhiều hơn cả nhu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc, kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn nhiều hơn nếu Mỹ bất ngờ rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trong khi đó, với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc cũng như bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại, “nỗi đau” mà Trung Quốc gánh chịu thậm chí có thể lơn hơn Nhật Bản một thập kỷ trước. Các chuyên gia gọi đó là “thập kỷ bị đánh mất” của Nhật Bản khi tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 1% kể từ năm 1991 cho tới 2000, khi bong bóng chứng khoán và bất động sản đồng loạt vỡ.
Một chương trình mô phỏng trên máy tính của JPMorgan Chase & Co của các chuyên gia kinh tế cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc giảm xuống 1% sẽ khiến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,5%, trong đó các quốc gia đang phát triển sẽ chịu tác động lớn nhất.
Quốc gia ít chịu tác động nhất chính là Mỹ, khi xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 1% GDP, giúp người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi do giá nhập khẩu giảm xuống. Tuy nhiên không phải ai cũng được lạc quan như vậy, David Ley, giám đốc Jerome Levy Forecasting Center LLC tại New York cho rằng, kinh tế thế giới đang tiến gần tới suy thoái bởi sự cắt giảm tiêu dùng của Trung Quốc và các quốc gia mới nổi khác.
Cho tới nay, tác động rõ ràng nhất từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc được thể hiện ở giá cả hàng hóa, khi hoạt động mua sắm của quốc gia châu Á này liên tục giảm mạnh. Chỉ số giá cả hàng hóa của Bloomberg đã giảm hơn 20% trong năm nay, rơi xuống gần mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Những người hưởng lợi
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa giảm xuống, các nhà sản xuất ô tô và các hãng hàng không lại thu về nhiều lợi ích. Giá xuất xưởng ô tô tại Bắc Mỹ giảm 591 USD trong năm ngoái do giá nhựa, thép và các nguyên liệu thô khác giảm xuống, theo số liệu của AlixPartners.
Các hãng hàng không cũng trở nên lạc quan hơn bao giờ hết. Deutsche Lufthansa AG, hãng hàng không lớn thứ hai châu Âu, vừa nâng mức dự báo lợi nhuận trong năm 2015, sau khi nhu cầu đi lại gia tăng và giá dầu thô giảm giúp lợi nhuận của hãng tăng lên 51% trong quý III/2015.
Trong số các nguyên liệu thô giảm giá, vàng cũng có chung kết cục đáng buồn khi duy trì giao dịch ở mức thấp. Signet Jewelers Ltd cho biết, họ trông đợi sẽ có thêm lợi nhuận từ việc giá vàng thô giảm xuống. Hãng chế tạo trang sức này vừa báo cáo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của hãng đã tăng lên gần 20% trong quý II năm nay.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc chìm xuống khiến một số quốc gia châu Á trở thành ngôi sao mới. Theo đó, Việt Nam và Bangladesh, thị trường may mặc lớn thứ hai thế giới, có thể giành được thị phần lớn hơn khi các công ty rời bỏ Trung Quốc bởi chi phí sản xuất tăng lên tại đây. Hoặc các công ty toàn cầu sẽ lựa chọn Ấn Độ với lợi thế về nhân công giá rẻ, Shang-Jin Wei, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết.