ASEAN, một số nhìn nhận trước mốc lịch sử 31 tháng 12

ASEAN, một số nhìn nhận trước mốc lịch sử 31 tháng 12

(ĐTCK) Nhìn từ góc độ thương mại trong lịch sử, Đông Nam Á là một khu vực bao gồm các thị trường nhỏ hấp dẫn nhưng không đồng bộ. Điều đó đang thay đổi một cách nhanh chóng.

Hơn 11 năm chuẩn bị, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2015. Khi châu Á bước vào năm mới, giấc mơ về một thị trường hợp nhất và một khu vực sản xuất bao gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sẽ chính thức trở thành hiện thực. Đây là sự kiện quan trọng của một dự án sẽ mang lại một mức tăng trưởng mới và những cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực.

Một ASEAN hợp nhất về mặt kinh tế sẽ tương ứng với một thị trường gồm 640 triệu người, với tổng GDP gộp lại trị giá 2.400 tỷ USD. Nếu đó là một quốc gia, quốc gia đó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, lớn gấp 1/4 Ấn Độ. Mckinsey & Company dự đoán, số lượng hộ gia đình trung lưu trong khu vực sẽ tăng hơn gấp đôi, lên đến con số 163 triệu từ đây cho đến năm 2030.

Con đường dẫn đến thành lập AEC khá dài và sự kiện thành lập vào cuối năm nay sẽ vẫn chưa phải là cái kết của hành trình. Biểu đánh giá lộ trình thực hiện AEC gần đây nhất được đưa ra vào năm 2012 ước tính các nước thành viên đã đạt được 67,5% các mục tiêu hội nhập tính đến thời điểm đó. Mặc dù đã có nhiều tiến triển sau đó nhưng những vấn đề gai góc nhất bao gồm tự do thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và các khu vực dịch vụ chính vẫn còn dở dang.

ASEAN bao gồm nhiều thị trường đa dạng khiến cho quá trình hợp nhất thành một thị trường phù hợp với tất cả các nước thành viên càng trở nên thách thức hơn. GDP bình quân đầu người tại Singapore – thành viên giàu có nhất của ASEAN cao hơn gấp 20 lần Myanmar – nước nghèo nhất khu vực.

ASEAN rất đa dạng về thể chế chính phủ, từ quân chủ tuyệt đối đến các nước có nguồn gốc chủ nghĩa cộng sản, và được thành lập trên nguyên tắc không can thiệp, đồng nghĩa với việc các nước thành viên phải đồng ý với các biện pháp trước khi các biện pháp này có thể được áp dụng.

Nhưng dù nếu AEC không được thành lập một cách đầy đủ và hoàn hảo nhất thì sự ra đời của khối kinh tế chung này cũng sẽ đánh dấu một sự kiện quan trọng khi các nước thành viên cam kết đi theo một hướng để đạt tới một mức độ hoà nhập tốt hơn.

Gần đây, tốc độ hoà nhập đã nhanh hơn và tiềm năng hợp tác trở nên rõ rệt hơn, cơ hội tạo ra sức mạnh lớn lao hơn nhiều so với việc đơn giản là cộng từng nước lại. Sự đa dạng của khu vực là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội đặc biệt để tự phát triển bền vững: trong khu vực có các nhà cung cấp tài nguyên và những người tiêu thụ tài nguyên, các nhà sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao được các nhà sản xuất số lượng lớn và chi phí thấp ưa chuộng và ngược lại.

Rõ ràng, các nước thành viên của ASEAN có thể cùng nhau giao dịch với các nhà sản xuất và các thị trường lớn nhất trên thế giới theo cách riêng của họ.

Nhưng để làm được điều này, ASEAN cần phải duy trì đà tiến tới hội nhập. Các bước cuối để thành lập một thị trường chung sẽ là các bước khó khăn nhất do tầm ảnh hưởng lớn tới các lợi ích quốc gia. Nhưng đây cũng là những bước đi quan trọng nhất nếu ASEAN thực sự hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và đồng đều.

Có ba ưu tiên liên quan lẫn nhau: kết nối thương mại, kết nối tài chính và kết nối về địa lý.

Khối này cần duy trì áp lực tháo gỡ các rào cản thương mại thuế và phi thuế quan, cả cho khối dịch vụ. Hầu hết những đóng góp mới cho tăng trưởng tại châu Á, cụ thể là ở các nước có thu nhập trung bình như Thái Lan và Malaysia, sẽ đi từ khối dịch vụ và tiến trình đó sẽ nhanh chóng và ổn định hơn nếu những tăng trưởng này đi từ nguồn lực toàn vùng hơn là từng nước.

ASEAN, một số nhìn nhận trước mốc lịch sử 31 tháng 12    ảnh 1

Noel Quinn, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính  doanh nghiệp khu vực châu Á -  Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC 

Điều này thực sự quan trọng đối với ngành dịch vụ tài chính. Dịch vụ ngân hàng quốc tế xuyên quốc gia sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của các chuỗi cung ứng, cả về kích cỡ địa lý lẫn kỹ năng chuyên sâu, và cung cấp nguồn tài chính cho những khoản đầu tư quan trọng không thể thiếu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Và đó chính là cơ sở hạ tầng. Nếu không đầu tư lớn hơn và cơ chế tài chính chi trả cho những khoản đầu tư cho các phương tiện hạ tầng kết nối như: đường bộ, đường sắt và các cảng, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, giấc mơ về một khối kinh tế ASEAN mạnh mẽ và bền vững có thể sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Nhu cầu có thêm cơ sở hạ tầng với chất lượng tốt hơn ngày càng được công nhận nhưng khu vực này đang chật vật tìm một phương thức bền vững để tài trợ cho những dự án hạ tầng đó. Châu Á vẫn có truyền thống phụ thuộc vào các khoản vay từ ngân hàng để giải quyết các nhu cầu tài chính lớn, nhưng mức độ và thời hạn của các nhu cầu đối với đầu tư cơ sở hạ tầng đang đòi hỏi phải nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác.

ASEAN cần một thị trường vốn nợ có chiều sâu hơn, được kết nối tốt hơn và hoạt động hiệu quả hơn để có thể chuyển hóa các khoản tiết kiệm thành đầu tư cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Và khu vực cũng cần có một hệ thống pháp lý phù hợp để bảo vệ cả người cho vay và người vay.

Triển vọng đầy đủ nhất về AEC là một khu vực kết nối về địa lý, thương mại và tài chính. 31 tháng 12 sẽ là một ngày trọng đại nhưng không phải là khởi đầu hay kết thúc của hành trình này. Các nhà sáng lập cộng đồng này có thể nhìn lại và tự hào về những thành công đã đạt được nhưng quan trọng hơn, họ cần kiên định hướng về tương lai.

Tin bài liên quan