Ả-rập Xê-út được lợi gì khi “dìm” giá dầu?

Ả-rập Xê-út được lợi gì khi “dìm” giá dầu?

(ĐTCK) Sự việc Mỹ đang trên đường trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào những năm tới đã thành một “hiện tượng”, khiến cho Washington và phố Wall gọi Mỹ là “Ả-rập Xê-út mới”. 

Tuy nhiên, Ả-rập - Xê-út thực sự không từ bỏ vai trò là nhà sản xuất có ảnh hưởng lớn nhất thế giới về giá dầu.

Với trữ lượng 266 tỷ thùng, khả năng bơm mỗi ngày 12,5 triệu thùng và quan trọng nhất là chi phi thấp từ chiết suất dầu thô, Ả-rập Xê-út vẫn là một đối thủ cực kỳ đáng gờm của Mỹ. Theo ông  Edward Chow, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, “Ả-rập Xê-út vẫn là nước duy nhất ở vào vị thế có thể đưa thêm dầu ra thị trường và cắt giảm sản lượng khi họ muốn”.

Ả-rập Xê-út cũng là thành viên mạnh nhất của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa, gồm 12 thành viên), mặc dù tổ chức này đang phải đối mặt với nhóm các nước đang phát triển mạnh về sản xuất dầu lửa như Nga, Mỹ và Canada.

Vào tháng 9, mặc dù thế giới đang dư thừa dầu, chủ yếu là do sự suy giảm về nhu cầu ở Trung Quốc và sự gia tăng nhanh chóng trong sản xuất dầu ở Mỹ, Ả-rập Xê-út đã giảm sản lượng xuống còn 9,6 triệu thùng/ngày, thế nhưng lại nâng sản lượng của OPEC lên mức cao nhất trong 11 tháng là 31 triệu thùng/ngày. Sau đó vào ngày 1/10, Ả-rập Xê-út đã giảm giá bằng cách tăng chiết khấu đối với các khách hàng lớn ở châu Á. Với vị trí chiến lược của mình trong ngành sản xuất dầu, Ả-rập Xê-út thừa khả năng cắt giảm sản lượng để đẩy mức giá cao hơn. Nhưng thay vào đó, vương quốc dầu mỏ này lại gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng, họ quyết tâm bảo vệ thị phần của mình, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Cương quyết giành giật thị phần với Nga, Mỹ Latinh và các đối thủ châu Phi. Iran và Iraq cũng theo gương Ả-rập Xê-út.

Với các thông tin ồ ạt đưa ra, đặt thị trường dầu lửa vào một trạng thái cạnh tranh, giá dầu thô Brent đã giảm từ 115,71 USD/thùng hồi tháng 9 xuống còn 82,60 USD/thùng trong tháng 10, thấp nhất trong gần 4 năm qua. Các nhà đầu tư đã sớm nhận ra rằng, các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn sẽ không cắt giảm sản lượng.

“OPEC dường như được chuẩn bị cho một cuộc chiến giá cả”, Eugen Weingerg, trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa tại Commerzbank (CBK;GR) đã viết như vậy và Chính phủ Arab đã không bình luận gì về việc này.

Kim ngạch xuất khẩu dầu của Ả-rập Xê-út chiếm 85% nguồn thu của chính phủ nước này, và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, vương quốc này cần mức giá trung bình hàng năm ít nhất là 83,60 USD/thùng dầu để cân bằng ngân sách quốc gia. Trong khi giá dầu thô Brent trung bình trong năm nay là 106 USD/thùng, vẫn trên ngưỡng chịu đựng được của Ả-rập Xê-út.

Một nhà ngoại giao nước ngoài (xin được giấu tên do đại sứ quán của ông ở Ả-rập Xê-út không muốn bình luận công khai về chính sách dầu mỏ của nước này)  cho biết, “Ả-rập Xê-út vẫn có thể thỏa mãn với giá dầu khoảng 100 USD/thùng. Mức giá hiện tại không đáng báo động bởi địa vị tài chính khá mạnh của họ”. Nhà ngoại giao trên cho biết thêm rằng, một trong những lý do Ả-rập Xê-út cắt giảm giá là nhận thức được sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới khá mong manh, và dầu thô rẻ có thể giúp khách hàng của mình kích cầu phát triển nhanh hơn.

Theo Goldman Sachs Group Inc (ngân hàng đầu tư của Mỹ), cứ mỗi 10% được giảm trong giá dầu sẽ thúc đẩy tiêu thụ hơn 0,15% kinh tế toàn cầu. Còn với ước tính của Citigroup và trong bối cảnh giá dầu thấp nhất 4 năm, mỗi ngày thế giới tiết kiệm được khoảng 1,8 tỷ USD. Như vậy, mỗi năm thế giới sẽ tiết kiệm được 1.100 tỷ USD khi giá cả các hàng hóa khác cũng giảm theo.

Ả-rập Xê-út đang có khoản tài chính dự trữ lên tới 735 tỷ USD, vì vậy, quốc gia này có vị thế tốt hơn để chịu đựng một cuộc suy thoái kéo dài hơn so với các đối thủ của mình.  Một câu hỏi được đặt ra và chưa có lời giải là: Việc giảm giá dầu có gây bất lợi cho sản xuất dầu ở Mỹ? Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Mỹ chỉ có 4% dầu sản xuất từ đá phiến, chiếm chi phí trên 80 USD/thùng.

Ông Vikas Dwivedi, chuyên gia kinh tế dầu khí của Macquarie ( MQG:AU) nói: “Giếng đá phiến cạn kiệt nhanh hơn so với giếng dầu thường, vì vậy, các giàn khoan ở Mỹ phải tìm đủ mỏ phiến đá mới để giữ cho sản xuất hàng năm được ổn định với 8,7 triệu thùng/ngày”. Các nhà ngoại giao tại Riyadh nghi ngờ rằng, Ả-rập Xê-út có một chính sách chủ ý lâu dài đọ sức với Hoa Kỳ.

Thế nhưng, việc tiến hành một cuộc chiến giá cả này của Ả Rập Saudi cũng đã làm tổn thương các thành viên yếu hơn của OPEC. Venezuela đã kêu gọi một cuộc họp khẩn để tổ chức OPEC tăng giá dầu. Tuy nhiên, yêu cầu này của Venezuela đã bị bỏ qua bởi Ả-rập Xê-út và đồng minh vùng vịnh Kuwait. Những quốc gia này không có ý định thay đổi tiến trình cho tới trước cuộc họp sắp tới của OPEC.   

Tin bài liên quan