Aliko Dangote không ngừng khai phá tiềm năng của lục địa đen

Aliko Dangote không ngừng khai phá tiềm năng của lục địa đen

(ĐTCK) Theo Forbes, với khối tài sản 14,4 tỷ USD, Aliko Dangote hiện là tỷ phú giàu nhất châu Phi và giàu thứ 67 trên thế giới. Đáng lẽ có thể ung dung tận hưởng sự giàu có của mình, tuy nhiên, “ông hoàng xi măng”, hiện đã 59 tuổi, vẫn liên tục dấn thân, chấp nhận rủi ro và đánh cược vào tương lai của lục địa đen.

“Nếu không có tham vọng, sống để làm gì nữa”. Câu nói có phần khắc nghiệt ấy chính là tuyên ngôn sống của Dangote. Chặng đường phấn đấu của tỷ phú người Nigeria này là một chuỗi những ý tưởng “nghĩ lớn, làm lớn” với tầm nhìn đầy tham vọng.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1977, Dangote bắt đầu khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Không có vốn để đầu tư, Dangote đã cố gắng thuyết phục người chú của mình là ông Sanusi Abdulkadir Dantata để vay 500.000 Naira (khoảng 3.000 USD). Nhờ khoản tiền đó, Dangote mở được công ty riêng.

Ban đầu, Dangote chủ yếu nhập khẩu lương thực, thực phẩm; chú trọng phát triển mạng lưới phân phối. Hai mặt hàng chính lúc đó là gạo Thái Lan và đường Brazil đã mang lại lợi nhuận lớn cho Công ty, giúp Dangote nhanh chóng thu hồi vốn và trả nợ khoản vay cho người chú chỉ sau 3 tháng. Về sau, tính toán để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, Dangote cho xây dựng một nhà máy để tự sản xuất thay vì nhập khẩu. Mì ống, bột mì, muối và đường là những sản phẩm đầu tiên của Công ty Dangote.

Bên cạnh mảng thực phẩm, Dangote bắt đầu chú ý tới ngành công nghiệp xây dựng. Ông dần chuyển hướng sang kinh doanh xe tải và xi măng để phục vụ nhu cầu rất lớn của thị trường lúc bấy giờ. Năm 2000, Dangote mua lại một doanh nghiệp xi măng vốn nhà nước đang gặp khó khăn.

Đến năm 2004, ông mạo hiểm mở rộng hoạt động sản xuất bằng việc xây dựng một nhà máy với chi phí hàng trăm triệu USD, bao gồm 319 triệu USD là tiền riêng của Dangote cộng với khoản vay 479 triệu USD từ ngân hàng. Đây là một trong những nhà máy xi măng lớn nhất thế giới với công suất 10 tấn mỗi năm. Dự án lớn này đã giúp ông nhanh chóng trở thành “ông hoàng xi măng”, độc quyền về ngành này trong khu vực và trở thành tỷ phú giàu nhất châu Phi.

Tuy vậy, người đàn ông giàu tham vọng này lại không chọn cho mình con đường dễ dàng, bằng phẳng nhất. “Chúng tôi -Tập đoàn Dangote, không giống như những người châu Phi khác luôn muốn giữ phần lớn tài sản và tiền bạc trong ngân hàng, chúng tôi đầu tư vào bất cứ điều gì chúng tôi tin tưởng và chúng tôi sẽ tiếp tục như vậy”, Dangote cho biết.

Do vậy, Dangote không ngừng đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn. Ông đầu tư vào ngành công nghiệp viễn thông bằng việc xây dựng hệ thống cáp quang dài 14.000 km trải khắp Nigeria; đưa Dangote trở thành tập đoàn công nghiệp xây dựng lớn nhất nước này.

Với tham vọng mang tới giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng của nước nhà, “ông hoàng xi măng” cũng đồng thời dấn thân vào lĩnh vực mạo hiểm mà đầy tiềm năng khác là công nghiệp lọc hóa dầu. Trước một thực tế nghịch lý rằng Nigeria dù là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu châu Phi, có thể sản xuất đến 2 triệu thùng dầu thô/ngày nhưng vẫn phải nhập đến 40 triệu lít xăng/ngày; Dangote đã quyết định xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu có thể đáp ứng 100% nhu cầu nhiên liệu mà Nigeria cần. Nhà máy này vẫn đang trong quá trình xây dựng và Dangote tin rằng sẽ thực hiện được mục tiêu đưa nhà máy vào hoạt động từ cuối năm 2018. Nếu dự án này thành công, Nigeria thậm chí có thể trở thành một nước xuất khẩu xăng và các sản phẩm dầu khí khác cho khu vực.

“Đế chế Dangote” không chỉ phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh. Bởi Aliko Dangote đã luôn định hình và chắp cánh cho thương hiệu của mình vươn xa bằng những hoạt động từ thiện và công tác xã hội. Từ cách đây hơn 20 năm, Dangote đã lập ra quỹ từ thiện mang tên mình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Quỹ từ thiện Dangote còn kết hợp với quỹ từ thiện của Bill Gates để chống lại bệnh bại liệt ở Nigeria. Ông cũng cam kết sẽ dành 1,2 tỷ USD trong tổng thu nhập của mình để đóng góp cho các tổ chức từ thiện khác trên thế giới.

Phát triển dựa vào khai thác những tiềm năng của lục địa đen, Tập đoàn Dangote giờ đây vẫn đang lớn mạnh từng ngày với hơn 20.000 nghìn nhân viên và đặt mục tiêu vốn hóa thị trường đến 100 tỷ USD vào năm 2020. Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung chắc chắn sẽ còn cần nhiều những doanh nhân đầy tham vọng như Aliko Dangote để vươn mình trỗi dậy.

Tin bài liên quan