Tải sản của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc đã bốc hơi cùng thị trường chứng khoán

Tải sản của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc đã bốc hơi cùng thị trường chứng khoán

Ai thổi bùng bong bóng chứng khoán Trung Quốc?

(ĐTCK) Tại Trung Quốc, bàn tay vô hình của thị trường đôi khi cần sự trợ giúp từ “bàn tay sắt” của Chính phủ. Điều đó rõ ràng là đúng sau khi 3.500 tỷ USD giá trị cổ phiếu đã bị “bốc hơi” khỏi 2 sàn chứng khoán Shanghai (Thượng Hải) và Shenzen (Thâm Quyến) thời gian qua.

Chính phủ Trung Quốc có vẻ chưa chứng minh được sự hiệu quả trong chiến dịch xoa dịu bong bóng chứng khoán mà chính họ tạo ra nó. Đến nay, Trung Quốc đã tạm ngưng các hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và nới lỏng các quy định về margin trong vay tiền mua chứng khoán, thậm chí cho phép các nhà đầu tư sử dụng bất động sản để thế chấp vay tiền mua chứng khoán.

Ngày 27/6 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất tiêu chuẩn và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Không lâu sau đó, Trung Quốc đề nghị cung cấp tài chính cho một nhóm 21 nhà giao dịch chứng khoán, đã cam kết mua 120 tỷ Nhân dân tệ (19,3 tỷ USD) giá trị cổ phiếu trước đó.

Ngày 8/7, Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc ra lệnh cấm các cổ đông tại các công ty lớn (những người sở hữu trên 5% cổ phiếu), giám đốc điều hành doanh nghiệp và các giám đốc bán ra cổ phiếu của họ trong vòng 6 tháng.

Tuy nhiên, các bước đi kể trên của chính phủ tạo ra được rất ít tác động tích cực.

Kể từ mức đỉnh ghi nhận ngày 12/6, chỉ số Shanghai Composite đã sụt giảm tới 32%, trong đó có những ngày sụt giảm trên 5%. Sức ép bán tháo cổ phiếu tại Trung Quốc nghiêm trọng tới mức khoảng 1.300 công ty quyết định ngừng giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán Đại lục trong ngày 8/7, đóng băng số cổ phiếu trị giá 2.600 tỷ USD (tức 40% giá trị vốn hóa thị trường).

Sự tháo chạy trên TTCK Trung Quốc, giai đoạn sụt giảm tồi tệ nhất của chứng khoán Đại lục kể từ năm 1992, là một cú sốc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, những người đã cam kết thúc đẩy hàng loạt cải cách hướng tới giảm sự can thiệp của nhà nước và cho phép các lực lượng thị trường giữ vai trò lớn hơn trong nền kinh tế trị giá trên 10.000 tỷ USD.

Thách thức với giới lãnh đạo

Còn nhớ giai đoạn chứng khoán Trung Quốc ghi nhận mức tăng 150% từ tháng 7/2014 đến ngày 12/6/2015, truyền thông nước này liên tục định hướng các nhà đầu tư cá nhân mua vào và tiếp tục thúc đẩy sự bùng nổ của TTCK như lời khẳng định các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Zhao Xijun, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Renmin (Trung Quốc) cho rằng: “Đây là khoảnh khắc thử thách thực sự đối với giới lãnh đạo Trung Quốc”. Và rằng: “Sự bốc hơi tài sản của trên 80 triệu nhà đầu tư cá nhân trên TTCK sẽ phơi bày các vấn đề xã hội nghiêm trọng của quốc gia này”.

Liu Li-Gang, nhà kinh tế trưởng tại Australia & New Zealand Banking Group thì nhận định: “Khi chứng khoán tăng thì Chính phủ khuyến khích mua vào và can thiệp mạnh tay khi xảy ra đổ vỡ hàng loạt. Điều này cho thấy, giới lãnh đạo Trung Quốc chưa thực hiện hiệu quả các cải cách tài chính và tự do hóa thị trường, đe dọa tới mức độ tín nhiệm của Bắc Kinh với giới đầu tư toàn cầu”.

Có vẻ truyền thông Trung Quốc, trước nỗi lo sợ bao trùm trên TTCK nước này, vẫn cố trấn an người dân và các nhà đầu tư. Nhật báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vẫn thể hiện sự lạc quan về tương lai của chứng khoán nước này, với bài xã luận với tựa đề “Cầu vồng luôn xuất hiện sau cơn mưa”.

Đến nay, Trung Quốc chỉ thành công trong việc kéo giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước lớn như PetroChina, China Merchants Bank hay China Southern Airlines. Hoạt động bán ra trên toàn bộ thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu quy mô nhỏ, vẫn diễn ra rất mạnh.

Bên cạnh đó, rủi ro đi kèm là sự đổ vỡ của TTCK sẽ làm phức tạp hóa những nỗ lực của chính phủ nước này trong giải cứu các nhà phát triển trong lĩnh vực bất động sản (vốn đang trong tình trạng nợ nần nghiêm trọng), các doanh nghiệp gặp khó khăn và chính quyền địa phương.

Tín dụng dễ dãi và chi tiêu mạnh tay trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình 10%/năm trong giai đoạn năm 1980-2012.

Và nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ duy trì được mức tăng 7%/năm, trong khi số nợ của các chính quyền địa phương đang tăng vọt.

Tin bài liên quan