Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 13/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố nếu Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa, nước này “đương nhiên” sẽ được nới lỏng các lệnh trừng phạt và Washington sẽ cho phép các công ty tư nhân đầu tư vào Triều Tiên.
Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton nói rằng Mỹ sẵn sàng mở cửa thương mại và đầu tư tại Triều Tiên ngay khi có thể.
“Chúng tôi có thể tạo điều kiện để mang lại sự thịnh vượng về kinh tế thực sự cho người dân Triều Tiên tương đương với Hàn Quốc, và đó là mong muốn của chúng tôi”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Ngoại trưởng Pompeo đã đề cập cụ thể tới các khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng, năng lượng và nông nghiệp cho Triều Tiên. Đây đều là những lĩnh vực đang rất cần đầu tư phát triển tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Ngoài Mỹ, cộng đồng quốc tế cũng sẽ vào cuộc để giúp Triều Tiên tái thiết nền kinh tế vốn đang bị đình trệ nếu nước này sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Những tuyên bố của các quan chức cấp cao Mỹ trong thời gian qua cho thấy Washington dường như đặt niềm tin vào các cơ chế toàn cầu trong việc giúp Triều Tiên phát triển.
“Món quà lớn nhất mà Mỹ có thể trao cho Triều Tiên là mở đường cho nước này thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Triều Tiên bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đồng thời giúp Triều Tiên hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.
Tất nhiên, tầm nhìn đó chỉ có thể được thực hiện sau khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn bộ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, một nguồn tin ngoại giao nói với báo Chosun (Hàn Quốc).
Trước đó, kế hoạch Marshall của Mỹ từng cung cấp các khoản viện trợ trực tiếp cho Tây Âu để giúp tái thiết các nền công nghiệp của khu vực này sau Thế chiến 2. Tuy vậy, bối cảnh quốc tế đã thay đổi và việc trông cậy vào các tập đoàn đa quốc gia được cho cách tốt nhất để giúp Triều Tiên trong thời điểm hiện tại.
“Điểm mấu chốt là Mỹ có tầm ảnh hưởng rất lớn tại các thị trường tài chính quốc tế. Nhiều nước sẵn sàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như phát triển tài nguyên dưới lòng đất của Triều Tiên nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt (Bình Nhưỡng)”, một quan chức chính phủ nhận định.
“Trước hết Triều Tiên cần tham gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tiếp đó, nếu Triều Tiên cũng tham gia các tổ chức tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới, nhiều nước có thể cung cấp các khoản vay hoặc viện trợ cho Triều Tiên và đầu tư tư nhân cũng sẽ đổ vào Triều Tiên”, Giáo sư Kim Byung-yeon tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định.
Sau khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, các doanh nghiệp Mỹ có thể đầu tư vào thị trường Triều Tiên, từ đó giúp xóa bỏ nỗi sợ hãi từ phía Bình Nhưỡng liên quan tới các chính sách bị coi là thù địch của Washington.
Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jung-in từng nói rằng “Triều Tiên muốn nhìn thấy Tháp Trump được xây dựng bên cạnh dòng sông Taedong và một nhà hàng McDonald mọc lên ở Bình Nhưỡng”.
Ai sẽ chi trả?
Khu tổ hợp khoa học công nghệ ở Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)
Vào thời điểm năm 2005, chính phủ Hàn Quốc ước tính sẽ mất khoảng 3,2 nghìn tỷ won để cung cấp khoảng 2 triệu KW điện cho Triều Tiên trong vòng 5 năm và 3,5 nghìn tỷ won để xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ nhằm cung cấp nguồn điện ổn định cho nước này. Mạng lưới điện của Triều Tiên hiện xuống cấp tới mức tỷ lệ thiếu điện tại quốc gia này lên tới 70%.
Ngoại trưởng Mỹ từng tuyên bố người chi trả các khoản tiền này “sẽ không phải là người Mỹ đóng thuế”. Cố vấn an ninh quốc gia Bolton cũng nói rằng sẽ không có sự hỗ trợ nào từ chính phủ Mỹ cho Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhà lãnh đạo rất thực tế trong vấn đề tài chính.
Tổng thống Trump từng yêu cầu Mexico phải chi trả kinh phí xây dựng bức tường dọc biên giới hai nước dù đây là ý tưởng do ông đề xuất. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng hối thúc Hàn Quốc phải chia sẻ gánh nặng kinh phí với Mỹ khi Washington duy trì lực lượng quân sự tại đây.
Những ví dụ trên là bằng chứng cho thấy nhiều khả năng chính phủ Mỹ sẽ không hỗ trợ cho Triều Tiên trong quá trình tái thiết nền kinh tế như kế hoạch Marshall từng giúp phục hưng châu Âu.
Theo báo Chosun, Mỹ có thể chuyển hướng sang Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á để chia sẻ kinh phí cho dự án phát triển Triều Tiên. Đồng thời, Washington có thể nhờ một quốc gia thứ ba bảo đảm quá trình vay vốn giữa Bình Nhưỡng và các tổ chức trên.
Trước đó, Hàn Quốc từng nhận trách nhiệm bảo đảm cho một khoản vay lớn của Triều Tiên sau Thỏa thuận khung Geneva năm 1994.
Những người đóng thuế tại Hàn Quốc cũng phải trả tới 70% chi phí xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ tại Triều Tiên dù dự án này sau đó bị “chết yểu”.
Các dự án từng được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 4 ước tính tiêu tốn khoảng 16 nghìn tỷ won.
Một lộ trình phát triển mới dành cho Triều Tiên đã được một ủy ban đặc biệt của Hàn Quốc chuẩn bị, dự kiến sẽ bao gồm các dự án phát triển hệ thống đường sắt, cảng, mạng lưới điện và cung cấp khí đốt cho Triều Tiên.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng được cho là muốn nhận các khoản đầu tư công nghệ cao thay vì chỉ viện trợ cho các ngành công nghiệp nhẹ.
Các khoản đầu tư vào Triều Tiên có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên nếu được triển khai đúng đắn. Tính tới năm 2016, tổng sản phẩm quốc gia của Triều Tiên chỉ bằng 1/45 so với Hàn Quốc.
Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đương nhiên muốn giúp Triều Tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng lỗi thời của nước này để chuẩn bị cho quá trình tái thống nhất.
Tuy nhiên, theo Chosun, các dự án chỉ có thể được thực hiện trong phạm vi cho phép của ngân sách Hàn Quốc, chứ không thể “vung tay quá trán” theo cảm tính.