Adidas chọi Nike ai sẽ hơn ai tại World Cup 2014?

Adidas chọi Nike ai sẽ hơn ai tại World Cup 2014?

(ĐTCK) 3 h sáng nay (13/6/2014) theo giờ Việt Nam, trận đấu mở đầu World Cup 2014 giữa đội chủ nhà Brazil và Croatia đã diễn ra, khởi động cho 1 tháng bóng đá với tổng cộng 64 trận đấu, khiến cả thế giới “ăn với bóng đá, ngủ với bóng đá”.

Đội nào sẽ vô địch và giành được Cúp vàng danh giá? Câu trả lời sẽ có vào rạng sáng ngày 14/7 (theo giờ Việt Nam). Theo nhận định chung, đương nhiên cửa vô địch cho đội Brazil là rộng nhất, song bóng đá luôn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, khó đoán, vì thế cơ hội cũng mở ra cho không ít ứng cử viên có máu mặt khác, như Argentina, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Italia…  Trái bóng bắt đầu lăn cũng là lúc giới kinh doanh, đầu tư bắt đầu phỏng đoán xem doanh nghiệp nào sẽ kiếm bộn tiền nhất trong dịp này và hai cái tên Adidas (Đức) và Nike (Mỹ) đương nhiên là được nhắc đến nhiều nhất.  Đây là hai thương hiệu cung cấp giày và áo bóng đá nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, chiếm tới tổng cộng 70% thị phần toàn cầu. Puma (Đức) là cái tên thứ 3, nhưng tầm cỡ kém hơn hẳn, không chấp.

Nike hiện là nhà cung cấp quần áo, dụng cụ thể thao lớn nhất thế giới với doanh thu năm 2013 đạt 25,3 tỷ USD; Adidas đứng thứ hai với 16,3 tỷ USD.

Khỏi phải bàn cãi, xét về thể thao nói chung thì Nike vượt xa Adidas, song xét riêng về bóng đá, đặc biệt là tại các kỳ World Cup từ trước đến nay, Adidas luôn vượt mặt Nike. Vậy tại World Cup 2014, Adidas sẽ tiếp tục truyền thống, hay Nike sẽ lật ngược được thế cờ?

Nhiều chuyên gia dự báo, tại World Cup 2014, doanh thu của Adidas ước sẽ đạt 2,8 tỷ USD, cao hơn so với con số hơn 2 tỷ USD của Nike. Dựa trên cơ sở nào mà các chuyên gia lại dự báo như vậy?

Thứ nhất, Adidas là nhà tài trợ chính của World Cup 2014, bên cạnh các thương hiệu lớn, nổi tiếng khác như Coca Cola, Visa, Emirates, Hyundai - KIA, Sony. Đây là lợi thế đáng kể của Adidas. Năm ngoái, Adidas đã ký thoả thuận nguyên tắc với Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) về việc kéo dài thời gian hợp tác thêm 60 năm nữa.

Thứ hai, toàn bộ bóng sử dụng tại World Cup 2014 đều do Adidas cung cấp độc quyền. Adidas là nhà thiết kế, cung cấp bóng đá cho World Cup từ năm 1970 tại Mexico. Theo hợp đồng, ít nhất Adidas còn độc quyền cung cấp bóng cho đến kỳ World Cup 2030. Đây cũng là thế mạnh của Adidas. Năm nay, quả bóng có tên gọi Brazuca cũng mang thương hiệu và logo của Adidas. Ngoài việc bán ra số lượng bóng Brazuca không nhỏ cho những người hâm mộ, Adidas hy vọng sẽ bán được 2 triệu đôi giày bóng đá “ăn theo” World Cup 2014.

Thứ ba, Adidas tài trợ cho 9 đội bóng, gồm: Tây Ban Nha, Đức, Argentina, Colombia, Nga, Mexico, Nhật Bản, Bosnia - Herzegovina và Nigeria. Trong số này, Tây Ban Nha (là đội vô địch World Cup 2010, vô địch EURO 2008 và 2012), Đức, Argentina đều là các ứng cử viên khá nặng ký cho chức vô địch World Cup 2014.

Ông Herbert Hainer, Giám đốc điều hành (CEO) của Adidas tự tin khẳng định: “Bóng đá là môn chủ lực của Adidas và chúng tôi vẫn luôn là số 1. Adidas không sợ sự thách thức từ bất kỳ ai”. Tuy nhiên, nói mạnh như vậy, song chắc chắn ông và Adidas đều rất gờm Nike, bởi nhiều lẽ.

Thứ nhất, Nike là người đến sau với bóng đá, song tiến bộ cực nhanh. Mãi đến năm 1994, khi World Cup lần đầu tiên tổ chức ở Mỹ, tức là sân nhà, Nike mới  chính thức nhập cuộc với bóng đá. Doanh thu của Nike tại World Cup 1994 mới có 45 triệu USD, mà đến nay, sau 20 năm (qua 5 kỳ World Cup), doanh thu ước tăng tới 2 tỷ USD, tức là tăng gần 45 lần, một mức tăng rất ngoạn mục.

Thứ hai, tại World Cup 2014, với hợp đồng tài trợ 10 đội, lần đầu tiên, Nike vượt Adidas về số lượng đội tài trợ. Cụ thể, Nike tài trợ cho 10 đội bóng, gồm Brazil, Mỹ, Anh, Australia, Hàn Quốc, Croatia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Pháp và Hà Lan. Trong số này có ứng cử viên số 1, sáng giá nhất cho chức vô địch là đội chủ nhà Brazil.

Tiếp đến, thách thức lớn của cuộc chiến quảng bá thương hiệu tại thời điểm này còn là chuyện ai có thể thu hút sự chú ý của khách hàng nhiều hơn thông qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội (như Facebook, Twitter…). Ở góc độ này, Nike dường như đang chiếm ưu thế nhờ khai thác các mạng xã hội hiệu quả hơn. Theo thống kê, Nike hiện có gần 2,5 triệu người hâm mộ trên Twitter, trong khi Adidas chỉ có hơn 570.000  người. Ảnh hưởng của Nike trên Facebook cũng lớn hơn Adidas.

Thực tế này cho thấy, Nike có sự tương tác tốt hơn với khách hàng so với Adidas. Tuy nhiên, chốt lại, các nhà phân tích đều có chung nhận định, cho dù Nike đang có tiến bộ đáng kể, song với việc được FIFA chọn làm đối tác chính, thì Adidas gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến về doanh thu tại World Cup 2014.

Tin bài liên quan