5 điểm đáng chú ý về thỏa thuận giải cứu Hy Lạp

5 điểm đáng chú ý về thỏa thuận giải cứu Hy Lạp

(ĐTCK) Thông tin về việc Hy Lạp chấp thuận sơ bộ các điều kiện của các chủ nợ châu Âu để được nhận gói giải cứu trị giá  86 tỷ euro, qua đó tránh được nguy cơ vỡ nợ, đã gây phấn chấn các nhà đầu tư quốc tế, khiến họ tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, có 5 điểm đáng chú ý mà các nhà đầu tư cần lưu ý về thỏa thuận cứu trợ này.

Cải cách kinh tế sâu rộng

Đầu tiên và đáng chú ý nhất là để nhận gói giải cứu 86 tỷ euro nói trên, Athens phải thực hiện những cải cách kinh tế sâu rộng trong lĩnh vực lương hưu, chính sách thuế, năng lượng, thị trường bán lẻ, giao thông vận tải, thị trường lao động và khu vực tài chính.

Bên cạnh đó, “xứ sở các vị thần” phải xây dựng một quỹ để bán bớt khối tài sản ước lượng có trị giá hơn 50 tỷ euro theo quy trình nhằm trả lại tiền cứu trợ và giúp tái cấp vốn hệ thống ngân hàng. Sau đó, Hy Lạp sẽ được phép tiếp cận các nguồn tài chính bổ sung nhằm ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ ngân hàng và được phép nối lại các thảo luận về tái cơ cấu nợ.

Điều quan trọng nhất, thỏa thuận giải cứu Hy Lạp đồng nghĩa với nguy cơ nước này ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) đã được loại bỏ. 

Khung thời gian nào?

Theo kế hoạch, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ chuyển các đề xuất cải cách tới Quốc hội nước này vào ngày 15/7, sau đó Quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu về việc mở lại các đàm phán về khoản vay mới cho Hy Lạp.

Hy Lạp sẽ cần thông qua các luật cải cách trước ngày 20/7, thời điểm nước này sẽ phải trả lại khoản nợ đáo hạn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Điều này sẽ giúp “mở khóa” một phần của gói cứu trợ mới, theo sau gói giải cứu toàn diện sẽ được giải ngân trong tháng Chín.

Người dân Hy Lạp sẽ được gì?

Giới phân tích cho rằng, khủng hoảng nợ Hy Lạp đã gây ra những tổn thất về nền tảng đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của nước này. Do đó, các vấn đề cốt lõi đối với Hy Lạp sẽ chưa thể được xóa bỏ trong “một sớm một chiều”.

Việc Hy Lạp và các chủ nợ đạt được thỏa thuận cứu trợ chỉ là bước khởi đầu. Hoạt động kiểm soát vốn có thể vẫn được Hy Lạp duy trì và các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới, có thể tác động tiêu cực thêm tới nền kinh tế vốn đã rất mong manh của Hy Lạp, ít nhất là trong ngắn hạn.

Nói chung, người dân Hy Lạp, những người đã bỏ phiếu nói “Không” với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, sẽ tiếp tục phải chịu đựng các biện pháp “khắc khổ” nhiều hơn. Đổi lại,  Hy Lạp sẽ vẫn ở lại Eurozone. 

Hy Lạp sẽ sử dụng khoản tiền cứu trợ như thế nào?

Khoảng 25 tỷ euro sẽ được sử dụng cho hoạt động tái cấp vốn các ngân hàng, trong khi 12,5 tỷ euro khác được chi để giảm tỷ lệ nợ/GDP. Ngoài ra, 12,5 tỷ euro khác được dành cho kế hoạch kích thích kinh tế Hy Lạp.

Theo nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro (Eurogroup), 10 tỷ euro là số tiền cần giải ngân ngay lập tức để tái cấp vốn các ngân hàng, trong khi 12 tỷ euro khác sẽ được giải ngân vào tháng tới. 

Triển vọng dài hạn của dự án châu Âu

Có quan điểm cho rằng, Hy Lạp đã bị ép từ bỏ “chủ quyền tài chính” của mình để được ở lại trong Eurozone. Điều này gây tác động tới các nguyên tắc nền tảng của dự án châu Âu như hợp tác và chia sẻ tương lai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với sức ép rất lớn từ các thành viên “diều hâu” trong chính phủ, những người muốn Đức phải cứng rắn và Hy Lạp phải tuân thủ luật chơi chung. 

Tin bài liên quan