2015, năm đáng quên với nhà đầu tư?

2015, năm đáng quên với nhà đầu tư?

(ĐTCK) Được kỳ vọng là năm đánh dấu sự khởi sắc rõ nét của nền kinh tế toàn cầu, sau một giai đoạn dài suy thoái, năm 2015, dù mới đi được ¾ chặng đường, nhưng đối với giới đầu tư toàn cầu, đây lại là năm đáng quên. 

Từ thị trường cổ phiếu, hàng hóa cho đến tiền tệ đều nhiều lần rơi vào “lằn ranh đỏ”…

Chỉ số cổ phiếu toàn cầu MSCI All Country World Index đã giảm 6,6% kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, chỉ số giá hàng hóa do hãng tin Bloomberg theo dõi giảm 16%, đồng thời chỉ số quỹ tiền tệ của Parker Global Strategies LLC cũng giảm 1,8%.

Sau ba năm trong chu kỳ giá cổ phiếu tăng và chính sách tiền tệ nới lỏng, các thị trường đang đối mặt với làn sóng suy giảm mới khi các nền kinh tế như Trung Quốc và Brazil yếu đi và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.

Các nhà phân tích đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% hồi đầu năm nay xuống chỉ còn 3%. Biến động trên các thị trường cũng tạo ra sức ép đối với các ngân hàng trung ương trong việc kéo dài chương trình kích thích kinh tế, điển hình là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp hoãn kế hoạch tăng lãi suất.

Tobias Levkovich, Chiến lược gia đầu tư cổ phiếu tại Citigroup Inc nhận định: “Đã có thời điểm các nhà đầu tư tin rằng, họ đã tìm ra được cơ sở để đầu tư, thế nhưng, những đổ vỡ sau đó đã xảy ra. Châm ngòi cho những chấn động này có thể là Trung Quốc, khi nó tạo ra một làn sóng lo sợ những bất ổn trên các thị trường”.

Tính riêng trong quý III/2015, chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI đã sụt giảm khoảng 10%, trong khi chỉ số hàng hóa Bloomberg giảm 14%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 7 năm. Trung Quốc chính là căn nguyên lớn nhất gây ra tâm trạng lo lắng cho các nhà đầu tư, khi các thị trường tài chính lo sợ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chậm nhất kể từ năm 1990.

Chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc đã giảm tới 29% trong quý III, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm 2,4% sau khi quốc gia này hạ giá đồng nội tệ trong tháng Tám. Michael Antonelli, nhà giao dịch cổ phiếu  tại Robert W. Baird & Co. cho rằng: “Đây thực sự là một trong những quý tồi tệ nhất, khởi nguồn từ những vấn đề tại Trung Quốc”.

Tại Mỹ, chỉ số  Standard & Poor’s 500 đã giảm khoảng 7% kể từ cuối tháng Sáu, khi các công ty ghi nhận mức tụt dốc lợi nhuận trung bình 1,7% trong quý II. Cổ phiếu của các thị trường mới nổi cũng giảm xuống mức thấp nhất của 4 năm trong quý III vừa qua.

Trên thị trường hàng hóa, giá đồng chạm mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, trong khi platinum giảm tương ứng 15% trong quý. Các thị trường tài chính cũng không thoát khỏi những thua lỗ này. Chỉ số lợi suất BofA Merrill Lynch Global Corporate ghi nhận mức giảm lần đầu tiên kể từ năm 2008. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng chỉ tăng 1,4%, dù đây là loại tài sản được coi là “thiên đường trú ẩn” an toàn. 

Thế tiến thoái lưỡng nan của Fed

Với tất cả những bất ổn này, kinh tế Mỹ vẫn được coi là khá vững mạnh và Fed nên sớm tăng lãi suất. Đó là đánh giá của Howard Marks, đồng Chủ tịch của Oaktree Capital Group LLC. Việc Fed tăng 25 điểm cơ bản lãi suất sẽ không phải là con số quá lớn sau khi thể chế tài chính này quyết định vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ.

Các nhà giao dịch trên thị trường hàng hóa giao sau đã đẩy lùi dự báo Fed nâng lãi suất đồng USD trở lại, khi khả năng Fed sẽ thay đổi chính sách tiền tệ đã giảm đáng kể từ 60% xuống còn 41% trong cuộc họp vào tháng 12 tới.  “Ngày càng có nhiều người cho rằng Fed sẽ trì hoãn việc thắt chặt lãi suất trong năm nay, nếu các điều kiện kinh tế chưa được đáp ứng”.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng không loại trừ khả năng nới rộng chương trình kích thích kinh tế, trong khi Trung Quốc có thể tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan