Sau 23 năm quy hoạch di dời, TP.HCM vẫn còn hàng ngàn ngôi nhà trên các kênh, rạch. Ảnh: Gia Huy

Sau 23 năm quy hoạch di dời, TP.HCM vẫn còn hàng ngàn ngôi nhà trên các kênh, rạch. Ảnh: Gia Huy

TP.HCM loay hoay tìm giải pháp chỉnh trang đô thị

(ĐTCK) Chỉnh trang đô thị là nhiệm vụ trọng điểm trong 7 nhiệm vụ đề ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều giải pháp, nhưng thực tế vẫn chưa phát huy nhiều hiệu quả.

Nhiều vấn nạn trong phát triển đô thị

Phát triển, chỉnh trang đô thị hiện được coi là điểm nóng của TP.HCM khi nhiều chuyên gia cho rằng, Thành phố càng thực hiện các giải pháp, thì lại càng đi vào ngõ cụt và tạo ra tác động “nửa vời”.

Đơn cử như việc xây dựng những tuyến đường điểm của Thành phố như dự án đường Phạm Văn Đồng nối quận Thủ Đức về Sân bay Tân Sơn Nhất, đường Trường Sơn nối sân bay về trung tâm Thành phố, mở rộng các tuyến đường nội đô…, giúp giảm tải kẹt xe và tạo ra bộ mặt giao thông tốt cho Thành phố phát triển các quận vùng ven.

Tuy nhiên, dù có những tác dụng tích cực, nhưng các dự án này cũng xuất hiện một số điểm hạn chế. Đơn cử sau khi tuyến đường Phạm Văn Đồng đi qua các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức được thông xe, đã xuất hiện cảnh những căn nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên hai bên đường.

Không chỉ vậy, hai bên đường xuất hiện cảnh tượng một bên nhà biến thành hầm khi mặt đường cao hơn nhà hơn 1 m, còn bên kia thì nhà lại biến thành đồi, khi nền nhà cao hơn mặt đường hơn 1 m. Đến nay, sau 3 năm thông xe, Thành phố vẫn chưa thể khắc phục những khuyết điểm này cho người dân.

Tại tuyến đường Trường Sơn nối sân bay vào trung tâm Thành phố, sau khi được mở rộng nhằm mục đích giải quyết vấn nạn kẹt xe vào sân bay và ngược lại, thì tình trạng kẹt xe lại dày đặc và nghiêm trọng hơn. Hay mới đây nhất, vào tháng 3/2016, TP.HCM xây dựng mới tuyến đường Trần Não nối cầu Sài Gòn vào trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Tuyến đường vừa xây xong, thì nhà dân hai bên đường biến thành hầm và chỉ sau một trậm mưa nhỏ, những ngôi nhà tại đây phải hứng chịu cảnh ngập lụt.

Không chỉ hệ thống giao thông, ngay như chuyện chống ngập, chỉnh trang đô thị của TP.HCM cũng trong cảnh càng chống càng ngập. Thành phố đã chi hàng nghìn tỷ để xây dựng hệ thống chống ngập, nhưng tình trạng ngập lụt trong mùa mưa của Thành phố không những không giảm, mà ngày một tăng.

Chẳng hạn, khu Đông được đầu tư dự án lắp đặt cống thoát nước với tổng kinh phí đầu tư hơn 137 tỷ đồng, vừa hoàn thành vào đầu năm 2016, nhưng chỉ sau một trận mưa đầu tháng 9/2016, toàn khu này đã ngập với mức nước trên 1 m.

Quận 1, TP.HCM ra quân giành lại vỉa hè - Ảnh: Gia Huy

Hoặc tại khu Tây, dù vừa được đầu tư thi công hệ thống cống thoát nước và khánh thành tháng 5/2016 với tổng kinh phí đầu tư hơn 163 tỷ đồng, nhưng hiện lại là một trong những điểm “đen” về ngập úng của TP.HCM. Đặc biệt, trong trận mưa đầu tháng 9 năm ngoái, các tuyến đường tại đây đều ngập nặng với mức ngập gần 1 m.

Không chỉ công tác chống ngập, việc phát triển đô thị tại các quận, huyện vùng ven đang làm cho lãnh đạo TP.HCM đau đầu.

Thực hiện kế hoạch giãn dân các quận trung tâm ra các quận vùng ven, Thành phố đã ban hành Quyết định 33/2014, thay thế Quyết định 19/2009 về diện tích tách thửa, giúp người dân dễ dàng hơn trong việc xây dựng và đăng ký quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau khi Quyết định 33 được ban hành, người dân lại thi nhau lấy đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng, phân lô tách thửa để bán.

Việc buông lỏng quản lý của chính quyền một số quận, huyện đã khiến tình trạng phân lô bán nền phát triển một cách tự phát, băm nát quy hoạch, tạo ra những khu dân cư không hạ tầng, không tiện ích, thậm chí còn tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp tạo dự án ma để lừa khách hàng. Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ Xây dựng đã phải thanh tra vấn đề này của Thành phố.

Một vấn đề tồn tại nữa là việc quy hoạch dự án đô thị trọng điểm của Thành phố cũng đang lâm vào cảnh bế tắc khi xuất hiện quá nhiều quy hoạch treo. Đơn cử, quy hoạch phát triển khu đô thị lớn nhất Đông Nam Á mang tên Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) từ 1996, nhưng đến nay, đã 20 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa hoàn thành đền bù giải tỏa và vẫn chưa có bất kỳ hạng mục nào chính thức được xây dựng.

Trong khuôn viên 770 ha được quy hoạch để trở thành đô thị mới, thành tựu 20 năm triển khai của chủ đầu tư chỉ là những con đường nham nhở đầy bụi. Trong khi đó, theo báo cáo từ UBND TP.HCM, hiện tại, mỗi ngày đơn vị này phải chi trả 2,6 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng vì vay phát triển quy hoạch dự án.

Một dự án khác cũng cần được nhắc tới là dự án xóa sổ nhà ổ chuột ven kênh rạch. Được chính thức triển khai từ năm 1993 với hàng chục nghìn ngôi nhà ổ chuột tại 67 tuyến kênh trên toàn Thành phố được đưa vào diện giải tỏa, di dời, nhưng tới nay, dự ãn vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, thì tính tới năm 2015, đã có thêm 7.000 căn nhà ven kênh mọc ra.

Đây chỉ là một trong số ít những giải pháp của Thành phố trong việc phát triển chỉnh trang đô thị chưa phát huy hiệu quả, thậm chí còn phải gánh thêm những hệ quả chưa biết ngày thoát.

Loay hoay tìm giải pháp

Trước tình trạng này, UBND TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến của các nhà quy hoạch kiến trúc, doanh nghiệp góp ký kiến, giải pháp để lãnh đạo Thành phố thực hiện quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM tốt hơn.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Văn Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, năm 2010, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần thứ hai của Thành phố xác định mô hình phát triển TP.HCM theo hướng “Tập trung - Đa cực” theo mô hình tổ chức đô thị. Quy hoạch chung Thành phố đã định hướng cho sự phát triển mở rộng của Thành phố ra các quận ven và các huyện ngoại thành, bằng việc thành lập các khu đô thị mới. Nhiều khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Tây Bắc, khu lấn biển Cần Giờ… đã được hình thành.

“Dù đã có những thành tựu tích cực, nhưng song song đó có thể nhận ra rằng, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị hiện nay vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng và có phần gay gắt hơn.

TP.HCM loay hoay tìm giải pháp chỉnh trang đô thị ảnh 2

 Nhiều nhà dân tại TP.HCM biến thành hầm sau khi các tuyến đường sửa chữa được nâng cao - Ảnh: Tuổi trẻ

Công tác quy hoạch vẫn chưa đi trước một bước, chưa tạo được nền tảng vững chắc, làm tiền đề cho các ngành khác phát triển. Chất lượng nghiên cứu các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt chưa cao, chưa dự báo chính xác nhu cầu và biến động của tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thị trường, nên thường xuyên phải điều chỉnh. Ý đồ giải pháp các dự án chỉnh trang đô thị của Thành phố chưa thật chuẩn xác dù qua nhiều lần điều chỉnh đều có đánh giá, rút kinh nghiệm.

Liều lượng nghiên cứu chỉnh trang đô thị chưa được đề cập nhiều, chưa chủ động đề xuất thông qua các chương trình, dự án cụ thể khi lập quy hoạch, mà chỉ khi có chủ trương thực hiện của lãnh đạo mới tiến hành rà soát, lập phương án thực hiện…”, ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, Thành phố cần điều chỉnh quy hoạch mới gắn kết với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị cụ thể với xây dựng hệ thống giao thông công cộng, nhằm định hướng phát triển đô thị dựa vào hành lang vận tải công cộng có sức chở lớn và tốc độ nhanh.

Điều chuyển những khu đô thị có mật độ dân cư sinh sống lớn. Nhanh chóng tiến hành phân vùng quy hoạch chi tiết sao cho sát với chức năng và nhiệm vụ của từng quận huyện.

Không nhất thiết phải lập quy hoạch chi tiết theo kiểu “phủ kín” trên toàn địa bàn Thành phố, mà nên chọn ra những khu vực có yêu cầu chỉnh trang và phát triển để nghiên cứu trước, đề xuất cho đúng thực chất là quy hoạch hướng dẫn đầu tư đích thực....

Đồng thời, ông Nam cũng cho biết thêm, chương trình chỉnh trang các khu nhà ở trên kênh và ven kênh rạch cần được đẩy mạnh, phạm vi nghiên cứu dự án các khu nhà ở không chỉ giới hạn 20 - 30 m hành lang hai bờ kênh, mà có thể phải mở rộng ranh đến cả một số khu đất kế cận có thể khai thác để kêu gọi vốn đầu tư xây dựng, nhằm tái thiết các khu nhà lụp xụp theo hình thức đối tác PPP.

Còn kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, nhất thiết phải có sự nghiên cứu điều chỉnh quy mô dân số dự kiến tăng thêm và một số dự án, kế hoạch đầu tư theo các đồ án quy hoạch chung quận, huyện hiện nay.

Lập đồ án quy hoạch phân khu 1/5.000, các đồ án này không nhất thiết phải theo ranh giới hành chính các quận, huyện, mà dựa trên hiện trạng đất đai, địa hình, địa chất thủy văn, hiện trạng dân số, hiện trạng các công trình kiến trúc và mạng lưới giao thông, cũng như các khả năng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng lớn nhỏ cụ thể.

TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright thì cho rằng, TP.HCM ngoài việc điều chỉnh quy hoạch cũng cần phải phát triển kinh tế vùng, liên kết phát triển đô thị với các tỉnh lân cận về hệ thống giao thông như qua phà Cát Lái, Quốc lộ 1A nối các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương…

Việc kết nối vùng sẽ mở rộng quy mô thị trường của TP.HCM và người dân các tỉnh lân cận có thể sáng đến TP.HCM làm việc và chiều có thể về nhà tại các tỉnh bằng các loại hình giao thông công cộng có tốc độ nhanh và liên kết chỉ một tuyến cho mỗi tỉnh.  

Tin bài liên quan