Các bộ môn trong Lý học phương Đông thường lấy toán học làm nền tảng. Đồ Họa: Thành Nguyễn

Các bộ môn trong Lý học phương Đông thường lấy toán học làm nền tảng. Đồ Họa: Thành Nguyễn

Phong thủy dưới góc nhìn khoa học

(ĐTCK) Nhiều người nhầm tưởng phong thủy là yếu tố tâm linh, nhưng trong Lý học phương Đông, phong thủy được xem là một môn khoa học.

Phong thủy lấy toán học làm nền tảng

Theo kiến trúc sư Hoàng Trà, Viện phó Viện Lý học phương Đông, phụ trách Trung tâm Lý số phong thủy kiến trúc, trong Lý học phương Đông, phong thủy lấy toán học làm nền tảng và không phải bàn cãi “phong thủy là một bộ môn khoa học”.

Lý học phương Đông bao gồm các bộ môn: Kinh dịch, Tử vi, Tứ trụ, Phong thủy Địa lý, Thái ất, Độn giáp… Trong đó, các bộ môn đều dựa trên nền bộ môn toán học và sử dụng các thuật số học khác nhau.

Cụ thể, trong Kinh dịch chỉ dùng Âm và Dương, cấu tạo của một quẻ Kinh dịch cũng từ những hào Âm và hào Dương. Dựa trên các quẻ của Kinh dịch, một người có thể luận đoán được quá khứ, hiện tại và tương lai, luận đoán về sự thất bại hay thành công, luận đoán đến các sự việc, hiện tượng liên quan một cách chính xác.

Nếu các thiết bị điện tử dựa trên thuật số học nhị phân là số 0 và số 1, thì trong Kinh dịch, hào Âm và hào Dương chính là toán nhị phân. Với hệ toán nhị phân này, người ta đã thiết kế ra rất nhiều phần mềm và các ứng dụng khoa học từ cao cấp đến sơ cấp, áp dụng vào sản xuất các thiết bị máy móc và thiết bị công nghệ như vệ tinh, tàu vũ trụ, điện thoại cầm tay, ti vi, máy tính và internet… Hiện tại, toán nhị phân là nền tảng của nhiều ứng dụng quan trọng.

Khi xem phong thủy, đầu tiên là nói đến ngũ hành, mà ngũ hành cũng phân ra là ngũ hành Âm và ngũ hành Dương, tức là vận hành theo thuật toán nhị phân. Hệ ngũ hành chính là hệ toán cấp số 5, trong đó có ngũ hành tương sinh, tương khắc, ngang hòa, ngũ hành phản sinh, phản khắc. Tức là, có 5 mối tương quan của ngũ hành và 5x5 = 25 mối quan hệ của ngũ hành. Như vậy, hệ toán học liên quan đến cấp số 5 trong phong thủy cũng đã cho thấy độ phức tạp và có độ trừu tượng.

Hiện nay, mọi người xem phong thủy thường tính ngũ hành căn theo mệnh của năm sinh. Khi tính mối tương tác của ngũ hành, nhiều người mới trú trọng tới ba mối quan hệ là ngũ hành tương sinh - tương khắc - ngang hòa, chứ ít người vận dụng uyên thâm tới 5 mối tương quan của ngũ hành. Từ 5 mối tương quan này, nhà phong thủy đã luận đoán chính xác được thịnh - suy, tốt - xấu của một ngôi nhà hay một con người.

Tiếp nữa, khi xem phong thủy, cũng phải vận dụng 10 thiên can (toán thập phân), 12 địa chi (toán theo hệ tá). Hơn nữa, ngay cả 10 thiên can và 12 địa chi cũng được phân chia thành ngũ hành.

Khi xem phong thủy cho một lô đất, người ta lập đồ hình phong thủy bao gồm đầy đủ 10 thiên can, 12 địa chi trên 8 hướng và 24 sơn; sắp đặt ngũ hành Âm - Dương cho từng phương vị. Ngoài ra, còn có một hệ toán số 9 là Cửu Tinh cũng được án ngữ vào đồ hình phong thủy theo Huyền không phi tinh. Như vậy, đồ hình phong thủy gồm có hệ toán cấp số 2, 5, 8, 9, 10, 12, trong đó hệ thuật toán cấp số 8 khi tính phong thủy căn cứ vào 8 trạch của đất và 8 trạch mệnh, người ta cũng đưa ra những luận đoán tốt - xấu khác nhau.

Như vậy, phong thủy là một bộ môn toán học vô cùng phức tạp, nhưng toán học này chỉ là phần nguyên lý bề nổi, còn một nửa thuộc về bộ môn Phong thủy địa lý. Bộ môn địa lý căn cứ vào địa hình, địa thế luận Thiên, Khí, Địa mạch, Long mạch, Luận sơn, Luận thủy…

Địa lý và mối tương quan với phong thủy

Phần địa lý vô cùng trừu tượng và biến hóa khôn lường trên thực tế, nên ít người đề cập đến và ít người đủ căn cơ có thể ứng dụng một cách chuẩn xác. Còn phần phong thủy dựa trên cơ sở thuật toán, nên một người học xem phong thủy mới chỉ được 50%, vì chỉ biết ứng dụng thuật toán, chứ chưa áp dụng vào địa hình địa thế. Những người này mới chỉ là nhà phong thủy, chứ chưa phải là nhà phong thủy địa lý. Ngoài ra, nếu chỉ học thành nhà địa lý cũng chỉ mới được 50% và không được gọi là nhà địa lý phong thủy.

Để khẳng định hoặc nhận biết một người vừa là nhà phong thủy giỏi và vừa là nhà địa lý giỏi, thì khi người đó đứng trước một cơ quan hay ngôi nhà nào đó, phải nói chính xác được năm thịnh, suy, tốt, xấu của ngôi nhà đó mà không cần vào nhà, cơ quan.

Khi vào nhà xem xét các vị trí, người đó có thể chỉ ra cơ quan đó ngồi vị trí nào có tiền, quyền, vị trí nào luôn gặp chướng họa. Ngôi nhà đó ngủ chỗ nào khỏe mạnh, chỗ nào hay ốm đau. Tức là nhà phong thủy đủ giỏi.

Kinh dịch ngày nay được rất nhiều người quan tâm, nghiên cứu.  Ảnh: Thành Nguyễn

Như vậy, địa lý và phong thủy là hai mặt Âm và Dương trong phong thủy, nên nếu chỉ giỏi một trong hai cũng không có thể nào vận hành và ứng dụng Phong thủy địa lý một cách chuẩn xác.

Khi người ta nói đến Địa lý phong thủy, thường có câu: Nhất mộ, nhì nhà, thứ ba cơ quan, thứ tư đến bản mệnh, thứ năm là tuổi vợ/chồng/con cái, thứ sáu là tuổi của những người hợp tác… Tuy nhiên, có một số bộ môn của Lý học phương Đông lại quan điểm: Nhất số, nhì vận, tam phong thủy, tứ âm phúc; hay còn có câu: Nhất phúc, nhì phận, tam phong thủy, tứ đức, ngũ giáo.

Ở đây, chúng ta chỉ bàn luận sâu về Phong thủy địa lý có phải là bộ môn khoa học hay không, nên các quan điểm khác sẽ đàm luận ở các số tiếp theo.

Tại sao Phong thủy địa lý lại xếp phần mộ là nhất? Theo kiến trúc sư Hoàng Trà, phần mộ được ví như tổng công ty, một tổng công ty mạnh, thì khoảng 8/10 công ty con mạnh, một tổng công ty làm ăn kém cỏi, thì cũng vẫn có khoảng 2 công ty con làm ăn phát đạt, thậm chí, tài sản công ty con hạch toán độc lập còn nhiều hơn công ty mẹ. Chính vì vậy, phần mộ thịnh thì phần đông con cháu là khá, phần mộ suy thì phần đông con cháu không thể thịnh được, nhưng vẫn có khoảng 20% con cháu khá giả.

Trên nguyên lý tâm linh, các cụ vẫn độ cho một hai người trong họ làm ăn có tài lộc, để có điều kiện báo hiếu gia tiên thông qua việc chăm lo phần mộ và thờ cúng, gánh vác việc dòng họ. Cho nên, những người làm ăn thành đạt phải biết báo hiếu gia tiên, thì lộc mới bền, dù có người nọ người kia không đồng thuận và cản trở đi chăng nữa, hãy coi đó là những thử thách trong việc tâm đạo.

Nói về phong thủy của phần mộ, theo kiến trúc sư Hoàng Trà, thì phần Âm (tức phần Thiên khí, Địa mạch, Long mạch...) ảnh hưởng 70%, còn phần Dương là hướng và thế ảnh hưởng 30%. Như vậy, một phần mộ có đặt đúng theo phong thủy, nhưng không được phần địa lý thì cũng chưa chắc đã là phần mộ thịnh. Hơn nữa, có những vị trí đất vô cùng thịnh, nhưng phúc phần của dòng họ và bản thân của người nằm trong mộ và con cháu không đủ tâm đức, thì có đặt vào chân long - địa huyệt cũng vẫn gặp họa chứ chưa được phúc lộc.

Trong Phong thủy địa lý, phần nhà thờ họ cũng ảnh hưởng trực tiếp tới con cháu trong cả họ đó, còn nhà ở của gia đình nào thì ảnh hưởng đến mỗi gia đình ở trên đất đó. Địa lý phong thủy liên quan đến nhà, thì phần Dương chiếm 50%, phần Âm có ảnh hưởng 50%.

(còn nữa)

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan