“Duyên” của mèo thần tài

(ĐTCK) Năm mới, bạn có tính chuyện khởi nghiệp kinh doanh không? Nếu có, tôi nghĩ là bạn nên đặt một chú mèo thần tài ở cửa hàng hay văn phòng của mình. Nếu bạn còn trẻ, rất có thể không, chỉ là thần tài đến nhà mà nguyệt lão cũng đáo qua đấy.
“Duyên” của mèo thần tài

Cách đây khá lâu, một anh bạn của tôi có mở một quán cà phê sách nho nhỏ dành cho học sinh, sinh viên. Anh muốn tìm một món đồ phong thủy, mong thuận đường làm ăn lại vừa mắt để bài trí cho quán.

Đồ phong thủy thì nhiều, nào là tỳ hưu, thiềm thừ, gậy như ý, đá quý… và với nhiều người thì cứ năm nào xài con giáp ấy. Nhưng không phải thứ nào cũng tự tiện thỉnh về mà được, không khéo lại rước vận xui chứ chả chơi, thành ra anh cứ chần chừ mãi. Cuối cùng, tôi gợi ý cho anh về con mèo chiêu tài - chú mèo vẫy khách Maneki neko.

Nhớ lần ông anh trai đang học ở Nhật Bản, tài trợ cho tôi một chuyến “phượt” đến đất nước hoa anh đào vào mùa xuân, bên cạnh những ngôi đền cổ kính, những nhà trọ truyền thống, sắc hồng trắng của hoa anh đào… mà du khách nào đến đây cũng muốn ngắm nhìn, trải nghiệm, có một thứ nho nhỏ khác khiến tôi tò mò, chú ý, ấy là chú mèo mũm mĩm vẫy tay hiện diện trên quầy ở bất cứ cửa hàng nào trên phố. Chúng luôn khiến tôi phải dừng bước một lúc để ngắm nghía kỹ hơn: chú mèo mập mạp với nụ cười phúc hậu, thường đeo những chiếc chuông xinh xắn hay chiếc yếm thêu hoa với gam màu tươi sáng.

Hỏi ra tôi mới biết người Nhật gọi đó là mèo thần tài - Maneki neko. Nó là được dùng như vật phẩm phong thủy, rất phổ biến ở Nhật Bản, được bày ở các cửa hàng, quán xá với niềm mong đợi sẽ buôn may bán đắt, mọi sự hanh thông. Người ta tin rằng tượng mèo giơ tay vẫy sẽ mời được nhiều khách đến cửa hàng hơn và rằng con mèo là linh thú cát tường, có thể nhờ linh lực của nó để hóa giải sát khí.    

Vì sao lại là loài mèo và vì sao mèo vẫy tay thì sẽ mời được khách? Có một câu chuyện của người Nhật kể rằng, vào một ngày mưa to, có vị khách trú mưa dưới mái hiên của ngôi đền, ông nhìn thấy một con mèo có vẻ như đang vẫy gọi và ông đi theo chú mèo vào đền trước khi mái hiên đổ xuống, cứu mạng vị khách ra khỏi tai họa. Và chú mèo đã được tôn là mèo thần tài may mắn.

Còn tôi, với kinh nghiệm của một người yêu mèo và nuôi mèo, tôi nghĩ, có lẽ do loài mèo rất nhạy cảm với mùi người lạ, bởi vậy khi nó giơ chân lên dụi mắt, hay “rửa mặt”, thì nghĩa là có khách lạ đến nhà. Có lẽ hành động “rửa mặt” này của loài mèo trông rất giống như giơ chân trước lên vẫy gọi nên mới hình thành quan niệm như vậy.

Có điều thú vị là mèo thần tài phổ biến ở Nhật Bản lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhà thơ Đoàn Thành Thức thời Đường từng ghi lại trong cuốn “Dậu Dương tạp trở” rằng: “Thường nghe nói, mèo giơ chân lên rửa mặt là khách tới nhà”. Đó là ghi chép sớm nhất trên giấy về quan niệm này. Năm 2014, ở Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây, người ta đã khai quật được một bức tượng “mèo chiêu tài” thời Bắc Ngụy. Mèo được tạc bằng đá với cặp mắt sinh động, thân hình bụ bẫm, cái đuôi dài ve vẩy và một chân trước giơ lên cao như đang vẫy vẫy.

Cũng vào thời Đường, mèo được đưa đi theo thuyền buôn vượt đại dương đến tận đất nước mặt trời mọc và trở thành vật nuôi trong nhà chỉ tầng lớp quý tộc mới có. Đến thời Edo, ngành sản xuất tơ tằm - một trong những thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thời kỳ đó - bị đe dọa bởi loài gặm nhấm, cho nên chính quyền Mạc Phủ ra lệnh thả tự do cho toàn bộ lũ mèo để chúng thực hiện nhiệm vụ bắt chuột của mình. Lúc này, cuộc sống vương giả của mèo hoàng gia mới chấm dứt và việc nuôi mèo phổ biến ở khắp các ngõ ngách đường phố.

“Duyên” của mèo thần tài ảnh 1

Thời kỳ này, xảy ra một loại đột biến gen lan truyền mạnh mẽ, khiến đuôi của lũ mèo ngày càng ngắn đi và tạo ra loài mèo cộc đuôi đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Người Nhật coi chúng là điềm lành, vì vậy mà mèo chiêu tài của Nhật thì đều cộc đuôi. Những chú mèo chiêu tài với chiếc đuôi cộc không chỉ mang ý nghĩa “dẫn khách đến”, mang lại tài lộc thịnh vượng, mà còn là linh vật cầu tất cả những điều tốt lành, may mắn, an khang, học hành tấn tới, tình duyên thuận lợi, và cả trừ ma quỷ điềm dữ.

Giờ, mèo chiêu tài trở thành vật phẩm phong thủy phổ biến ở nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc và cả Việt Nam. Không quản là chủ nhà tuổi nào, năm nay con giáp gì, vào một cửa hàng bất kỳ trên phố, ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh con mèo tươi cười, vẫy khách trên quầy. Thậm chí, các cô gái còn đặt hàng những món trang sức hoa tai, lắc tay, mặt dây chuyền… có hình mèo chiêu tài với mong muốn gặp nhiều may mắn.

Mèo chiêu tài cũng có nhiều loại, mèo chiêu tài giơ chân phải thì là mèo đực, đem đến may mắn và tiền bạc, rất thích hợp để cầu tài cầu lộc, nên để ở văn phòng. Mèo giơ chân trái là mèo cái, đem đến những mối duyên lành, gọi nhiều khách đến, thích hợp trưng bày trong những cửa hàng, quán ăn hay các địa điểm buôn bán kinh doanh.

Màu sắc của những chú mèo cũng mang những ý nghĩa đặc trưng riêng. Mèo chiêu tài truyền thống chính là loài mèo tam thể đuôi cộc đuôi đặc trưng của Nhật Bản với ba màu trắng, vàng, đen. Thế nhưng mèo chiêu tài ngày nay lại có màu sắc đa dạng hơn nhiều. Một chú mèo màu vàng sẽ mang đến tài vận suôn sẻ, phú quý thịnh vượng. Mèo màu đen trừ tà ma, tránh tai nạn. Mèo màu xanh cầu học hành tấn tới, sức khỏe dồi dào. Và đặc biệt là mèo màu hồng đỏ có thể đem đến vận đào hoa cho chủ nhà, có lẽ bởi vì mèo còn là một loài vật đa tình.

Anh bạn chủ quán cà phê của tôi đã thực sự mua một chú mèo chiêu tài này về bày trí cho quán của mình. Nhưng kể ra thì anh cũng nhầm chút xíu, anh đã chọn một chú mèo cầu duyên, đeo một cái yếm màu hồng phấn thêu hoa anh đào, trên đầu có những hai đốm lông đen, cứ như là mái tóc bổ luống vậy, trông rõ là buồn cười. Hóa ra anh không biết về ý nghĩa màu sắc của chúng, thành ra lại nhầm sang mèo cầu duyên, hơn nữa, lại là một chú mèo cầu duyên bị lỗi! Tượng mèo chiêu tài thông thường trên đầu chỉ có một đốm lông màu, trông như mái xéo, chứ những hai đốm lông màu thì thật là hiếm gặp.

Cũng có thể là do anh có duyên bán hàng, cũng có thể là do mèo thần tài thật sự linh, nhưng dù sao tôi cũng vui khi thấy quán anh đông khách, cầu tài được tài và sau này cầu duyên được duyên. Tôi cũng không rõ quá trình yêu đương cưa cẩm của anh bạn ra sao, chỉ biết bà xã anh bây giờ là một khách hàng quen từ ngày đầu mở quán và anh vẫn bảo chú mèo “lỗi” bày trên quầy hàng là bà mối của hai vợ chồng anh.

Có lẽ chúng thực sự chứa đựng một phép màu kỳ diệu nào đó, kéo mọi người lại gần nhau hơn, nhất là trong thời buổi ai ai cũng tất bật vội vàng này. Dù sao đi nữa thì một chú mèo mũm mĩm, tươi tắn, dễ thương ngồi trước quầy hàng với một chân trước đưa lên lúc lắc sẽ dễ dàng thu hút ánh mắt của những người dạo qua trên phố. Và rồi biết đâu khi dừng bước để mỉm cười trước một chú mèo nhỏ, là họ đã bắt đầu một mối “duyên”, bắt đầu một cuộc gặp gỡ để tìm thấy thứ họ cần tìm trong cửa hàng nọ. Có lẽ đó mới chính là ý nghĩa đích thực của chú mèo chiêu tài đáng yêu này.

Nhưng chắc chắn là ai đã yên bề gia thất thì không nên đặt mèo chiêu tài màu hồng trong cửa hàng kinh doanh rồi.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan