Vai trò của Mộc
Cây cảnh có tác dụng lớn trong việc bài trí không gian, kiến trúc nội ngoại thất của công trình. Ngoài ra, còn có tác dụng tạo bóng mát, che chắn nắng nóng mùa hè, gió lạnh mùa đông. Trong phong thủy người ta phải chọn những vị trí phù hợp để trồng cây với tác dụng chính là dùng mộc để chấn. Với những cây nhỏ, thấp và thân mềm, sự ảnh hưởng của nó không nhiều, nhưng với một cây lớn, thân gỗ, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn trong phong thủy.
Khi một người, một gia đình đến một nơi nào đó để ở mà có sẵn cây thì là yếu tố mặc nhiên thuộc phong thủy có sẵn. Việc di dời hay đốn hạ phải rất cẩn trọng. Thông thường, người ta sẽ không chặt bỏ cây lớn mà nếu không hợp hoặc có nhu cầu xây dựng lại nhà cửa , người ta sẽ bứng cây sang chỗ mới. Việc trồng hay chặt cây ngoài vấn đề liên quan đến phong thủy còn liên quan rất lớn tới tâm linh.
Theo thời gian, Mộc ngày càng có ảnh hưởng mạnh về phong thủy
Từ nguyên lý đó, kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà khuyên khi trồng một cây lâu năm, người ta phải chọn phương vị ngay từ đầu vì khi cây còn nhỏ thì sự tác động của cây chưa nhiều. Nhưng khi cây có chiều cao bằng hoặc cao hơn ngôi nhà thì sự ảnh hưởng về phong thủy là vô cùng lớn. Cơ bản, cùng với thời gian, sự ảnh hưởng của Mộc đến gia chủ ngày càng mạnh mẽ.
Mộc trong phong thủy
Cây cối có thể hút, nhả khí và hơi nước qua quá trình hô hấp. Vì vậy, cây có thể dùng để trấn những phương vị có khí xấu. Tức có thể trồng vào những phương vị xấu để trấn, trong nhà thì có thể đặt cây vào phương vị xấu để hóa giải.
Về bản chất, cây thuộc ngũ hành Mộc, Mộc trấn Thổ, trấn Sơn. Nguyên tắc của phong thủy là Sơn quản nhân đinh nên những phương vị xấu ảnh hưởng đến nhân đinh (sức khỏe, số mạng con người) thì người ta nên có Mộc để trấn. Vì cây hút nước, hút khí nên những phương vị xấu về tài vận người ta cũng dùng Mộc để trấn vào phương vị đó để hút những năng lượng xấu.
Theo Kiến trúc sư Hoàng Trà, Giám đốc Công ty Kiến trúc và Xây dựng dân dụng Hà Nội, Trưởng ban phong thủy - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, nhiều trường hợp, do cây trồng vào phương vị xấu để trấn nên khi trồng cây sẽ có hiện tượng cây bị chết. Mọi người không cần phải lo lắng mà nếu đã chọn được phương vị chuẩn rồi thì cây chết lại thay đến khi cây sống thì vị trí đó ổn.
Dụng Mộc sao cho đúng
Vậy, các loại cây trong phong thủy trồng như thế nào cho phù hợp?
Cây cỏ nhện có khả năng quang hợp ngược, có thể đặt được trong phòng ngủ. Ảnh: Nguyễn Thành
Hãy cùng nhìn nhận kinh nghiệm mà người xưa đã đúc rút. Các cụ có câu: “Trước cau, sau chuối” là liên quan đến cây ngoại thất. Ngoài tác dụng cảnh quan trước nhà của cây cau thì đây cũng là loại cây có tuổi thọ lâu, có tác dụng trong tâm linh: đơm hoa, kết trái để thờ cúng.
Còn cây chuối thì ra quả một lần và phải chặt phá, sau chặt cây bị thối gốc nên không trồng trước nhà là vì thế. Những cây có gai nhọn như bưởi, chanh, cây lá kim cũng thường được trồng sau nhà. Trước nhà, người ta thường trồng những cây có hoa đẹp, ít sâu, có nhiều quả hướng tới sự vẹn tròn, thành quả viên mãn và tạo cảnh quan.
Nhiều người băn khoăn rằng cây có thể phối hợp cùng non bộ, hồ cảnh hay một số loại cây có thể sống trong nước thì trồng ra sao? Nhìn chung, với các trường hợp này, phải xem phong thủy và tùy từng vị trí để có thể phối hợp cho phù hợp. Có thể phối hợp cây và non bộ để trấn vào những vị trí tài vận xấu chứ không dùng cây và thủy để đặt vào phương vị tài vận xấu.
Một quan điểm nữa là người ta áp dụng theo phong thủy Loan Đầu là đặt cây (Mộc) bên Bạch Hổ, Thủy bên Thanh Long, thường cây lớn đặt ở hậu Huyền Vũ. Đó là bài toán thế cục mẫu của phong thủy Loan Đầu, nhưng khi đi vào từng bài toán chi tiết, người ta phải căn cứ nhà đó thuộc Long nào? Sơn hướng đó xây trong vận nào để đặt Mộc, tức dùng Mộc để trấn cùng với sơn, Thủy.
Còn theo Bát Trạch, người mệnh Thổ không hợp việc chơi cây cảnh vì Mộc khắc Thổ, nhưng thực tế chúng ta thấy, có rất nhiều thể loại Thổ mà không có Mộc lại bị hủy hoại. Ví dụ như đồi, núi mà không có cây thì thành đồi hoang, núi trọc.
Hay như ngôi nhà là Thổ, xét về ngũ hành cũng là Thổ, nhưng Thổ đó mà không có vật dụng là Mộc hay Kim thì ngôi nhà không có giá trị. Việc chọn vị trí để đặt Mộc phụ thuộc vào từng địa thế, phương vị của ngôi nhà và nó là pháp chấn về Mộc thuộc về Thiên Địa, không phụ thuộc Nhân. Vì vậy, người mệnh nào cũng có thể chơi cây cảnh, không cứ mệnh Thổ, Thủy, hay Kim.
Với những ngôi nhà, đặc biệt là biệt thự mới, việc mua các cây đẹp, cây cổ thụ để trang trí, trấn phong thủy diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên, gia chủ cũng cần lưu ý, tránh trường hợp mua cây có nguồn gốc của đình, đền, chùa. Điều này là tối kỵ vì có thể mang đến những điều không hay.
Với các loại cây đặt trong văn phòng, hiện nay người ta hay gọi bằng những cái tên nghe rất hấp dẫn như: Kim tiền, Tài lộc, Tài phát, Kim phát tài,… Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, có thể trồng cây nào cũng được, miễn là cây không nhả khí độc, không phải dạng lá kim và là cây thích hợp với môi trường sống trong bóng râm.
Văn phòng làm việc thì đặt cây gì cũng được, miễn là mọi người trong văn phòng cảm thấy thoải mái, thư thái. Cũng vì nguyên lý này nên trong phòng ngủ không nên đặt cây. Tuy nhiên, có một số loại cây quang hợp ngược nhả oxy vào ban đêm thì đặt ở phòng ngủ sẽ tốt cho sức khỏe.
Ví dụ cây lưỡi hổ, cây lô hội, cây cỏ nhện. Đây đều là các loại cây quang hợp ngược, không chỉ nhả oxy vào ban đêm, chúng còn có khả năng lọc các loại khí độc. Đơn cử như cây lưỡi hổ còn có khả năng lọc được nhiều loại khí gây hại cho sức khoẻ phổ biến trong nhà như formaldehyde, trichloroethylene và benzene…
Hay cây cỏ nhện có khả năng loại bỏ 90% formaldehyde, một chất hoá học có khả năng gây ung thư xuất phát từ các sản phẩm gia dụng có chất kết dính, vữa và các chất độn.
Về một khía cạnh nào đó, đặt cây cũng là điểm huyệt trong phong thủy. Khi nhờ tư vấn, nếu người thầy phong thủy đến đất có thể nói chuẩn về gia chủ năm nào tụ tài, năm nào tán tài hay cơ quan nào thịnh, suy năm nào, ngồi vị trí nào tốt thì có thể đủ khả năng chọn vị trí đặt cây một cách chính xác.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com