Khuôn viên nhà ông Phạm Văn Hạnh gần công trường khai thác đá Công ty Tân Phú Xuân

Khuôn viên nhà ông Phạm Văn Hạnh gần công trường khai thác đá Công ty Tân Phú Xuân

Vụ việc tại CTCP Xi măng Tân Phú Xuân (Hải Phòng): Uẩn khúc sau những lá đơn

Báo Đầu tư vừa nhận được đơn khiếu nại và tố cáo đính kèm chữ ký của một số hộ dân xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) về hoạt động của Nhà máy Xi măng Tân Phú Xuân gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng khi xác minh các lá đơn này, chúng tôi lại phát hiện ra những câu chuyện khác và bản chất vụ việc có dấu hiệu bị làm sai lệch.

Bài 1: Dấu hiệu thay đen đổi trắng

“Chúng tôi là các hộ dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng làm đơn này gửi cơ quan chức năng với mong muốn được các cơ quan chức năng làm rõ các dấu hiệu sai phạm trong Văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra số 890/STNMT - KS của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng về việc giải quyết kiến nghị của nhân dân xã Liên Khê tố cáo những sai phạm của Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân (Công ty Tân Phú Xuân) về việc, 10 năm qua, người dân phải sống trong cảnh nơm nớp “chạy mìn” hàng ngày, mỗi khi Công ty nổ mìn khai thác đá, đá bay vào nhà dân đe dọa tính mạng, hư hại tài sản, nhà cửa của nhân dân…”. Đây là một phần lá đơn kiến nghị dài 5 trang đính kèm chữ ký photo của 40 hộ dân thôn 9, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

Sự khẩn thiết trong từng câu chữ của tờ đơn đã nhanh chóng đưa nhóm phóng viên Báo Đầu tư về xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng để tìm hiểu vụ việc. Tuy nhiên, trái với những mường tượng ban đầu của chúng tôi, ấn tượng khi đặt chân về thôn 9, xã Liên Khê là cuộc sống khá yên bình và trù phú của người dân ở một huyện có dân số và nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp lớn bậc nhất của TP. Hải Phòng. Ấn tượng đó hoàn toàn không giống với những gì chúng tôi tưởng tượng về cuộc sống bấp bênh, “chạy mìn” hàng ngày của 40 hộ dân như mô tả trong lá đơn.

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã tìm đến hộ dân có nhà nằm gần công trường khai thác đá của Công ty Tân Phú Xuân nhất - là nhà ông Phạm Văn Hạnh ở thôn 9, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Khi chúng tôi đưa tờ đơn khiếu nại và tố cáo có kèm theo tên của các hộ, ông Hạnh tỏ ra bất ngờ với các nội dung đề cập trong đơn kiến nghị.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 mới xây khang trang, ông Phạm Văn Hạnh – nhà liền kề với mỏ đá cho biết, ông không hề viết đơn kiện và cũng không biết gì về nội dung lá đơn kiện mà chúng tôi nhận được. Năm 2011, gia đình ông đã nhận tiền thuê đất của Công ty Tân Phú Xuân trong thời gian 5 năm với số tiền 450 triệu đồng, đến nay hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Ngoài ra, hàng tháng, Công ty vẫn hỗ trợ tiền “chạy mìn” với số tiền 1 triệu đồng.

“Các hộ dân chúng tôi đã nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng nhà cửa, hoa màu, sản xuất và tiền thuê đất của Công ty thì còn kiện nỗi gì”, ông Hạnh thành thật!

Tương tự, ông Lưu Văn Bình ở thôn 9, xã Liên Khê – tiếp giáp nhà ông Hạnh cũng phủ nhận việc tham gia khiếu kiện như nội dung lá đơn mà chúng tôi nhận được.

Bất ngờ với thái độ của các hộ dân sinh sống gần Nhà máy, chúng tôi tìm đến UBND xã Liên Khê để tiếp tục xác minh vụ việc. Tiếp chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Liên Khê, ông Trịnh Văn Hiển cho biết, theo giấy phép khai thác khoáng sản số 797/GP - UBND ngày 17/4/2015 của UBND TP. Hải Phòng, bản đồ mặt bằng mở rộng vành đai an toàn nổ mìn khai thác đá mà Công ty Tân Phú Xuân được khai thác là hơn 20 ha. Trong đó, diện tích được khai thác là 11,5 ha, diện tích công trình phụ trợ là 8,45 ha.

Số hộ dân nằm trong vành đai an toàn nổ mìn khai thác đá mà Công ty Tân Phú Xuân được khai thác có 228 hộ với 222 thửa đất nông nghiệp, 6 thửa đất phi nông nghiệp. Trong đó, trong vòng bán kính 100 m có 109 hộ với diện tích đất là 6.873 m2, bán kính 200 m là 119 hộ, diện tích là 10.405 m2. Tổng số hộ dân đã thỏa thuận đền bù xong với Công ty Tân Phú Xuân là 224 hộ, còn 4 hộ chưa thỏa thuận xong.

Theo ông Hiển, Công ty Tân Phú Xuân hoạt động khai thác khoáng sản đá vôi trên địa bàn  xã Liên Khê từ năm 2002 theo các giấy phép khai thác khoáng sản có thời hiệu 3 năm, phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng TP. Hải Phòng đến năm 2020 và quy hoạch sử dụng đất của huyện Thủy Nguyên.

Trong quá trình triển khai Dự án, Công ty có thỏa thuận hỗ trợ các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng. Việc chi trả tiền đền bù thiệt hại về nhà cửa, hỗ trợ hoa màu bị ảnh hưởng được thực hiện công khai, có biên bản giao – nhận, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

“Việc trong đơn, các hộ dân thôn 9 kiến nghị Công ty Tân Phú Xuân khai khống diện tích công trường khai thác, gây ảnh hưởng đến nhà cửa, cuộc sống hàng chục hộ gia đình là không đúng sự thật”, ông Hiển cho biết.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan