Vụ tham ô tại Agribank: 177 sổ tiết kiệm bị rút khống

Vụ tham ô tại Agribank: 177 sổ tiết kiệm bị rút khống

(ĐTCK) Ngày 2/7/2012, TAND TP. Hà Nội đưa vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) năm 2011 ra xét xử.

Theo đó, ba bị cáo, nguyên là cán bộ của Agribank, bị khởi tố vì đã tham ô 45,8 tỷ đồng với những hình phạt rất nặng. Vụ án này cho thấy một quy trình chặt chẽ cũng không thể hạn chế được hoàn toàn khả năng nhân viên sai phạm, nếu công tác quản lý bị buông lỏng.

177 sổ tiết kiệm bị rút khống

Tháng 5/2011, Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nhận được báo cáo của Chi nhánh Mỹ Đức - Agribank về việc một số cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, đã rút hơn 45 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng để chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích cá nhân.

Tài liệu truy tố của Viện KSND TP. Hà Nội xác định, Chi nhánh Mỹ Đức là chi nhánh cấp 3 của Agribank và có 3 phòng giao dịch: Kênh Đào, Hợp Tiến, Hương Sơn. Lê Quang Khải nguyên là giao dịch viên Phòng giao dịch Kênh Đào, Nguyễn Thanh Hải nguyên là giao dịch viên Phòng giao dịch Hương Sơn.

Khải và Hải được giao nhiệm vụ trực tiếp giao dịch với khách hàng có nhu cầu gửi và rút tiền tiết kiệm tại hai phòng giao dịch nói trên, hướng dẫn khách hàng viết giấy yêu cầu gửi tiền tiết kiệm, lập thẻ lưu, nhận tiền nhập quỹ và lập sổ tiết kiệm giao cho khách hàng, lập chứng từ tất toán tiền gửi tiết kiệm. Đồng thời, thực hiện thao tác trên máy tính (hệ thống mạng IPICAS) nhập các thông tin số liệu về gửi và rút tiền tiết kiệm khách hàng. Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý của lãnh đạo Phòng giao dịch, công tác hậu kiểm thiếu chặt chẽ, Khải và Hải tất toán khống trên máy 177 sổ tiết kiệm của khách hàng để lấy tiền cá độ bóng đá và chi tiêu cá nhân.

Phòng giao dịch Kênh Đào do Nguyễn Văn Nghị làm Giám đốc, Trần Văn Hải làm Phó giám đốc hậu kiểm. Theo cáo trạng, tại thời điểm xảy ra vụ án, do Nguyễn Văn Nghị không làm hết trách nhiệm của mình, để lộ user (tên đăng nhập) và password (mật khẩu), dẫn đến việc Khải dùng user và password để tất toán khống trên máy 159 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt 34,5 tỷ đồng. Trần Văn Hải được giao trực tiếp hậu kiểm các chứng từ giao dịch của Khải. Trong thời gian từ ngày 9/5 đến 17/5/2011, Trần Văn Hải đã hậu kiểm 159 giao dịch của Khải, nhưng không phát hiện được việc tất toán khống. Nguyên nhân là vì Trần Văn Hải đã làm sai quy trình hậu kiểm, chỉ kiểm tra trên mạng nội bộ, mà không đối chiếu chứng từ gốc, nhưng vẫn lập báo cáo hậu kiểm xác nhận giao dịch hợp lệ.

Vụ tham ô tại Agribank: 177 sổ tiết kiệm bị rút khống ảnh 1

Vụ việc tại Agribank cho thấy, một quy trình chặt chẽ cũng không thể hạn chế được nhân viên sai phạm, nếu công tác quản lý bị buông lỏng

Tại Phòng giao dịch Hương Sơn, Nguyễn Văn Mạnh là Giám đốc, Nguyễn Thị Vân là Phó giám đốc, Hoàng Hữu Hợp là giao dịch viên kiêm hậu kiểm chứng từ. Từ ngày 10/2 đến 5/5/2011, Nguyễn Thanh Hải, giao dịch viên tại đây đã lợi dụng sở hở của Nguyễn Văn Mạnh, sử dụng user và password để tất toán khống 18 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt 11,2 tỷ đồng. Do bị bệnh, nên từ ngày 14/2/2011, Nguyễn Văn Mạnh ủy quyền cho Nguyễn Thị Vân quản lý Phòng giao dịch. Bởi vậy, Nguyễn Văn Mạnh không phát hiện Hải duyệt khớp lệnh chuyển tiền. Cũng trong thời gian từ ngày 10/2 đến 5/5, Hoàng Hữu Hợp đã 14 lần hậu kiểm, song không đối chiếu chứng từ gốc, mà vẫn lập báo cáo. Nguyễn Thị Vân đã ký xác nhận, mà không kiểm tra lại. Trong số 177 sổ tiết kiệm bị tất toán khống, có một số sổ tiết kiệm không gửi tại Phòng giao dịch Hương Sơn và Kênh Đào. Những sổ này, Khải và Hải đã thay đổi mã số quản lý giao dịch để rút tiền.

Cơ quan công an đã thu giữ toàn bộ chứng từ gốc của 177 sổ tiết kiệm, xác định không có sổ tiết kiệm gốc trong chứng từ tất toán, phiếu hạch toán không có chữ ký phê duyệt của lãnh đạo Phòng giao dịch. 61 bản gốc báo cáo hậu kiểm các giao dịch của Nguyễn Thanh Hải do Hoàng Hữu Hợp lập và 146 bản gốc báo cáo hậu kiểm các giao dịch của Lê Quang Khải do Trần Văn Hải lập đều xác nhận các giao dịch hợp lệ.

Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Khải và Hải khai do nợ tiền cá độ bóng đá nên đã bàn nhau làm thủ tục tất toán khống, rút tiền của Ngân hàng. Số tiền 45,8 tỷ đồng được chuyển vào các tài khoản ảo, sau đó chuyển trả nợ cá độ bóng đá và rút ra tiêu xài cá nhân. Cùng chơi cá độ bóng đá với Khải và Hải còn có Lê Văn Hiển, Trưởng phòng Kế toán ngân quỹ - Chi nhánh Agribank Mỹ Đức. Lê Văn Hiển chơi cá độ bóng đá thua nợ hàng chục tỷ đồng, Khải và Hải trả nợ hộ Hiển 16 tỷ đồng. Hiển không trực tiếp tham gia tất toán khống 177 sổ tiết kiệm, nhưng có biết việc này. Khải còn gặp Hiển để đề nghị giúp đỡ nhằm việc tất toán khống thuận lợi và cách thức đối phó với Ngân hàng khi bị phát hiện. Hiển cũng tự ý nâng hạn mức giao dịch của Khải và Hải lên gấp 2 - 3 lần, mà không có sự đồng ý của lãnh đạo Phòng giao dịch và Ban giám đốc Chi nhánh Mỹ Đức. Như vậy, với chức vụ quyền hạn của mình, Hiển đã tạo điều kiện cho Khải và Hải chiếm đoạt tiền của Chi nhánh Mỹ Đức. Cáo trạng xác định, Hiển là đồng phạm với vai trò người giúp sức hai bị cáo Khải và Hải nói trên.

 

Án tử hình cho tội tham ô

Viện KSND TP. Hà Nội đã truy tố Lê Quang Khải, Nguyễn Thanh Hải, Lê Văn Hiển với tội danh tham ô tài sản và đánh bạc. Các bị can Nguyễn Văn Nghị, Trần Văn Hải, Hoàng Hữu Hợp đã vi phạm quy định nghiệp vụ hậu kiểm chứng từ giao dịch trong Agribank cũng như công tác bảo mật user, password trong giao dịch một cửa, vi phạm các quy định về chấn chỉnh công tác kiểm soát giao dịch trong hệ thống IPICAS, do đó bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau một ngày xét xử, Hội đồng xét xử xét thấy cáo trạng truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, số tiền tham ô quá lớn 45,8 tỷ đồng, trong khi phần khắc phục hậu quả chỉ có 240 triệu đồng, phần còn lại không thể khắc phục, nên đã quyết định tuyên phạt Lê Quang Khải tử hình, Nguyễn Thanh Hải và Lê Văn Hiển tù chung thân; Nguyễn Văn Nghị, Trần Văn Hải, Hoàng Hữu Hợp 3 - 4 năm tù giam.

Liên quan đến người gửi tiền trong 177 sổ tiết kiệm bị rút khống, theo cáo trạng, cơ bản, các chủ sổ tiết kiệm đã rút hết tiền từ Agribank.

 

Thách thức siết chặt công tác quản lý

Từ năm 2004, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm. Trên cơ sở đó, các ngân hàng đều xây dựng quy trình riêng. Quy trình nghiệp vụ này được đánh giá là chặt chẽ, nếu mỗi nhân viên ngân hàng đều thực hiện đúng thì không thể có chỗ cho tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến không ít vụ án hình sự, mà tài sản của ngân hàng, tài sản của Nhà nước không thể thu hồi, cùng với mất mát về con người.

Trong vụ án nêu trên, mặc dù có một số cán bộ liên quan cơ quan điều tra không đề nghị xử lý hình sự, do không gây lỗi trực tiếp dẫn đến sai phạm của hai bị cáo Khải và Hải, nhưng có thể thấy, đã có những khâu, những người trong vụ án thiếu trách nhiệm, không làm đủ, làm đúng quy trình.

Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư, vụ án trên cho thấy, để bảo đảm an toàn tài sản, an toàn tiền gửi trong ngành ngân hàng, thì quy trình mới chỉ bảo đảm điều kiện “cần”, còn điều kiện “đủ” là sự quản lý chặt chẽ về mặt con người trong quá trình tác nghiệp. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có biện pháp tổng hợp từ khâu thẩm tra tuyển dụng chặt chẽ, tập huấn đào tạo nghiệp vụ và tư duy trách nhiệm pháp lý thường xuyên cho nhân viên, kết hợp với các biện pháp kiểm soát thường xuyên và các phương án chủ động phòng chống các rủi ro hoạt động.