Ngày 13/8 vừa qua, đường ống nước Sông Đà tiếp tục vỡ lần thứ 13

Ngày 13/8 vừa qua, đường ống nước Sông Đà tiếp tục vỡ lần thứ 13

Vụ án đường ống nước Sông Đà: Càng điều tra càng phức tạp

(ĐTCK) Sau 2 lần vỡ đường ống nước liên tiếp hồi cuối tháng 7, rạng sáng ngày 13/8, đường ống nước sạch Sông Đà lại vỡ lần thứ 13. Lần này sự cố trầm trọng hơn rất nhiều khiến cho thời gian sửa chữa kéo dài tới gần 2 ngày và đến sáng 15/8, nhiều khu vực quận Hoàng Mai vẫn chưa có nước trở lại.
 

Sự cố ngày càng nghiêm trọng

Lần vỡ ống thứ 13 đường ống nước sạch Sông Đà đã khiến 100.000 hộ dân Hà Nội thuộc các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy lâm vào tình trạng mất nước sạch. Sự cố lần này nghiêm trọng hơn những lần trước do xuất hiện liên tiếp nhiều điểm vỡ, rò rỉ trên một đoạn đường ống. Bởi vậy, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) không chỉ “vá lỗi” như mọi khi, mà phải thay thế cả một đoạn ống dài. Thời gian để khắc phục sự cố kéo dài, nước cung cấp sau đó có lưu lượng yếu và ghi nhận tại nhiều hộ dân, cho đến sáng 15/8 vẫn chưa có nước trở lại.

Với tình trạng của đường ống nước Sông Đà hiện nay, CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) và Vinaconex hoàn toàn bị động trong việc ứng phó với sự cố. Doanh nghiệp chủ yếu phát hiện sự cố của đường ống thông qua việc tuần tra, kiểm soát và báo cáo của nhân viên Công ty, sau đó dùng hệ thống đo siêu âm để phát hiện chính xác điểm gặp sự cố để khắc phục.

Do là tuyến ống độc đạo nên Vinaconex không thể dừng hoặc giảm tải lưu lượng nước để xác định liệu sự cố có tiếp diễn hay không? Vị trí, địa điểm hay thời gian xảy ra kế tiếp... Chỉ khi có sự cố, Công ty mới huy động đội phản ứng nhanh tới khắc phục. 

Gia hạn điều tra nhiều lần

Về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến sự cố vỡ đường ống diễn ra liên tục, cho đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 9 bị can liên quan.

Một cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế (C46) cho biết, vụ án này càng điều tra càng phức tạp. Cho đến nay, cơ quan công an đã nhiều lần gia hạn thời gian điều tra (so với thời gian ban đầu là 4 tháng - PV).

Hoạt động của Vinaconex, theo một nguồn tin từ doanh nghiệp, chịu ảnh hưởng nặng nề từ vụ án này. Đơn cử, CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex, ngoài việc chế tạo đường ống nước Sông Đà trước đây, còn có các hoạt động sản xuất - kinh doanh phục vụ ngành nước khác, nhưng hiện giờ hoạt động gần như tê liệt, nợ lương công nhân, dây chuyền sản xuất có nguy cơ bị vứt xó. Với Tổng công ty Vinaconex, nhiều hoạt động liên quan đến việc thực hiện thủ tục đầu tư cho các dự án khác, vì vụ án này, cũng gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai.

Với các cổ đông của Vinaconex - những người đang gián tiếp chịu thiệt hại, cũng không khỏi bức xúc khi không biết đến bao giờ, Tổng công ty mới thoát khỏi những “án treo lơ lửng” và ai sẽ đền bù cho những thiệt hại mà họ đang phải chịu? 

Bao giờ cho đến… tháng 10

Giới chuyên gia xây dựng cho rằng, để tránh được cảnh vá lỗi bị động như hiện nay, Vinaconex và công ty con có thể phải đào toàn bộ đường ống số 1 lên để kiểm tra. Chi phí tốn kém là một chuyện, quan trọng hơn do là tuyến độc đạo nên muốn kiểm tra bài bản, Vinaconex phải chờ đến khi có tuyến số 2.

Vậy bao giờ Hà Nội có tuyến ống số 2? Sau sự cố vỡ đường ống nước lần thứ 9 vào ngày 12/7/2014, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Vinaconex khởi công tuyến đường ống nước sạch số 2 dài 21 km trước tháng 9/2014, để đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định cho các hộ dân trong Hè 2015.

Tuy nhiên một năm sau, tuyến đường ống số 2 vẫn chưa được khởi công. Theo thông tin từ Vinaconex, sớm nhất cũng phải đến tháng 10 năm nay, dự án mới có thể khởi công. Từ bài học về tuyến ống số 1, chủ đầu tư buộc phải mời thầu quốc tế cung cấp đường ống cho tuyến số 2.

Như vậy, nếu mọi việc suôn sẻ, phải đến Hè năm sau, tuyến ống số 2 mới có thể đi vào hoạt động. Khi ấy, tuyến ống số 1 được giảm tải, may ra mới có thể đào đường ống lên, bắt bệnh chính xác để phạt đúng người, đúng tội.

Tin bài liên quan