Vụ án B5 Cầu Diễn: Truy soát đường đi của số tiền lừa đảo

Vụ án B5 Cầu Diễn: Truy soát đường đi của số tiền lừa đảo

(ĐTCK) Một loạt hợp đồng kinh tế được Housing Group ký kết với 64 doanh nghiệp được truy soát tỉ mỉ, nhằm mục đích đảm bảo nghĩa vụ thi hành án bồi thường, khắc phục thiệt hại cho khách hàng góp vốn.

Vụ án Châu Thị Thu Nga (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và xây dựng nhà đất (Housing Group, nguyên Đại biểu Quốc hội) và các đồng phạm lừa đảo khách hàng tại Dự án B5 Cầu Diễn đã kết thúc ở giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất của vụ án cho thấy việc giải quyết dân sự, mấu chốt của vụ án hình sự kinh tế luôn là bài toán rất phức tạp.

Sau phiên tòa sơ thẩm, hàng trăm bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng loạt kháng cáo. Tổng số đơn kháng cáo mà Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội nhận được là 220 đơn – con số kỷ lục của đơn vị này. Trong số đó, có 16 công ty kháng cáo về nghĩa vụ hoàn trả số tiền mà Housing Group đã thanh toán cho họ.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nga thu số tiền hơn 377 tỷ đồng của 726 khách hàng khi Dự án B5 Cầu Diễn chưa được phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng. Số tiền này, bị cáo Nga đã trích 85,3 tỷ đồng để thực hiện một số hạng mục tại Dự án B5 Cầu Diễn và 25 tỷ đồng cho các dự án khác.

Ngoài ra, bị cáo cũng sử dụng một phần trong số tiền trên đầu tư cho việc sản xuất một số bộ phim và góp vốn, chuyển nhượng cổ phần tại một số doanh nghiệp khác. Có tổng cộng 64 doanh nghiệp đã ký hợp đồng kinh tế với Housing Group.

Housing Group đã thanh toán cho 40 công ty thực hiện một số hạng mục tại Dự án B5 Cầu Diễn như đền bù giải phóng mặt bằng, thuê đo đạc lập bản đồ hiện trạng, thuê thiết kế bản vẽ, khoan khảo sát địa chất công trình, lập quy hoạch tổng mặt bằng, thi công cọc nhồi đại trà…

Trong đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác minh, làm việc với đại diện 36 công ty. Những doanh nghiệp này đã ký 68 hợp đồng và nhận của Housing Group tổng số tiền 71,9 tỷ đồng. Còn một số công ty khác dừng hoạt động.

Ngoài ra, còn có 10 doanh nghiệp khác ký hợp đồng thực hiện các dự án khác như Dự án Trung tâm chiếm phim, Khu dịch vụ khách sạn Quất Lâm (Nam Định), Dự án B4B Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), Dự án Trung tâm dịch vụ hỗn hợp cao tầng tại phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội), Lô 1 Thanh Xuân…

Cơ quan điều tra cũng bóc tách trong hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH một thành viên Xây lắp Hóa chất và Công ty cổ phần Bất động sản Á Châu thực hiện Dự án Khu nhà tái định cư và kinh doanh tại ngõ 603 Lạc Long Quân (phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) có 4,1 tỷ đồng Housing Group góp vốn.

Cả 64 doanh nghiệp trên tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.  Bản án sơ thẩm xác định số tiền các pháp nhân này được trả theo các hợp đồng kinh tế có nguồn gốc do bị cáo Nga chiếm đoạt của khách hàng nộp tiền vào Dự án B5 Cầu Diễn. Nguồn tiền này bị sử dụng trái phép. Căn cứ khoản 2, Điều 41, Bộ luật Hình sự 1999, tòa án tuyên buộc 64 công ty phải hoàn trả lại tiền để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án về bồi thường của Housing Group.

Có mặt trong danh sách trên, Công ty cổ phần Licogi12 phải hoàn trả 8,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Quỹ đầu tư bất động sản Ngân hàng thương mại cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (VP Invest) là 12,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Liên danh Tư vấn và Xây dựng COFEC là 1,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc Đô thị Hà Nội (UAC) là 1,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Bất động sản Hanhud là 200 triệu đồng; Tổng công ty 780/BĐ11 là 38 triệu đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp 5 là 4,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cơ khí và xây lắp Hà Nội 500 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên Xây lắp Hóa chất là 4,1 tỷ đồng…

Trong số 64 doanh nghiệp trên, có 16 công ty kháng cáo cho rằng, họ không có trách nhiệm phải hoàn trả số tiền Housing Group đã thanh toán.

Liệu đề nghị này có được tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận?

Theo luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật hợp danh Bross và cộng sự), Tòa án xác định bà Châu Thị Thu Nga có hành vi lừa đảo khách hàng góp vốn và dùng một phần khoản tiền đó để ký kết các hợp đồng với những doanh nghiệp kể trên.

Toàn bộ nguồn tiền nhận từ khách hàng là bất hợp pháp do phạm tội mà có. Nguồn tiền đi đến đâu thì phải thu hồi về đến đó. Các cá nhân, tổ chức nhận tiền phải hoàn trả cho bị hại. Đây là hoạt động thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

Do các doanh nghiệp thụ hưởng khoản tiền đó là vô định (không biết nguồn gốc tiền do phạm tội) thì chỉ phát sinh trách nhiệm dân sự. Quyền lợi của họ pháp luật sẽ vẫn bảo toàn ở góc độ là họ được giành quyền khởi kiện Housing Group hoặc bà Nga phải hoàn trả lại bằng nguồn tiền khác hợp pháp.

Một diễn biến đáng chú ý khác trong vụ án này là trong khi cơ quan tố tụng đang tích cực thu hồi tiền để khắc phục hậu quả thì phần lớn bị hại có đơn yêu cầu không nhận tiền, chỉ nhận nhà!    

Tin bài liên quan