Vụ án AVG: Rủi ro định giá

Vụ án AVG: Rủi ro định giá

(ĐTCK) Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thông tin về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Mobifone Lê Nam Trà và Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đình Trọng để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra về thương vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Thanh tra Chính phủ kết luận, những hành vi vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone, nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỷ đồng.

Cho rằng những sai phạm trong thương vụ có dấu hiệu hình sự, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.

Trong nhiều sai phạm Thanh tra Chính phủ đã kết luận, có vấn đề nổi cộm liên quan đến kết quả định giá doanh nghiệp. Để xác định giá trị AVG, Mobifone đã thuê nhiều đơn vị tư vấn định giá, bao gồm Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định giá AMAX.

VCBS lại ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán AASC để định giá AVG theo dữ liệu đầu vào do AVG cung cấp. Theo đó, kết quả định giá của các đơn vị có sự chênh lệch rất lớn, từ 16.565 - 33.299,48 tỷ đồng, trong khi phương pháp xác định giá trị sổ sách chỉ là 1.970 tỷ đồng.

Theo các quy định hiện hành, có nhiều phương pháp định giá doanh nghiệp như phương pháp tài sản, phương pháp chiết khấu dòng tiền, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo các tỷ số so sánh... Trong đó, phương pháp tài sản và phương pháp chiết khấu dòng tiền thường được đơn vị tư vấn, định giá sử dụng.

Phương pháp tài sản chỉ xem xét giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp dựa trên Bảng cân đối kế toán, không bao gồm các giá trị tài sản vô hình như bản quyền, giấy phép kinh doanh có điều kiện, thương hiệu, quyền kinh doanh một số lĩnh vực...

Trong phương pháp chiết khấu dòng tiền, giá trị doanh nghiệp được tính bằng cách chiết khấu dòng tiền dự kiến của doanh nghiệp. Yếu tố quan trọng trong phương pháp này là dữ liệu đầu vào, bao gồm các chỉ tiêu tài chính, dự kiến lợi nhuận trong những năm tiếp theo của AVG.

Đáng chú ý là năm 2015, AVG báo lỗ 2.644 tỷ đồng, năm 2016 tiếp tục lỗ 113 tỷ đồng, nhưng năm 2017, AVG đặt kế hoạch lãi 271 tỷ đồng, đến năm 2018 đặt kế hoạch lãi tới 1.389 tỷ đồng. Các năm 2019, 2020, kế hoạch lợi nhuận của AVG lần lượt là 3.091 tỷ đồng và 5.396 tỷ đồng. Các số liệu lãi khủng được dự kiến cho các năm tiếp theo đã đẩy kết quả tính toán theo phương pháp chiết khấu dòng tiền lên tới hơn 33.000 tỷ đồng.

Kết quả định giá của AMAX, AVG có giá trị hơn 16.000 tỷ đồng; trong đó riêng giá trị tài sản vô hình được xác định là hơn 13.000 tỷ đồng. Khi tiến hành chuyển nhượng, hai bên đã sử dụng kết quả định giá này.

Loại bỏ giá trị vô hình, loại bỏ nợ phải trả, Thanh tra Chính phủ xác định giá trị vốn chủ sở hữu của AVG chỉ còn 1.983 tỷ đồng. So với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ xác định Nhà nước có nguy cơ thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng. 

Tin bài liên quan