Tàu vận tải của Vinalines có thể bị bắt giữ tại nước ngoài do phán quyết của VIAC

Tàu vận tải của Vinalines có thể bị bắt giữ tại nước ngoài do phán quyết của VIAC

Vinalines quyết “lật” phán quyết phạt 3 triệu USD

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hy vọng Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ hủy phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) trong vụ nhà thầu SK E&C (Hàn Quốc) đòi bồi thường 65,4 tỷ đồng (3 triệu USD).

Theo thông tin riêng của Báo Đầu tư, phán quyết của VIAC bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) buộc Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu thi công gói thầu 6b1, Dự án Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong là SK E&C số tiền lên tới 65,4 tỷ đồng hoàn toàn không phải do lỗi đơn vị chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Cụ thể, đây là khoản tiền mà cơ quan trọng tài buộc Vinalines phải thanh toán cho lô cọc thép 544 đoạn SPP mà SK E&C mang đến công trường trước khi Dự án bị dừng đột ngột để điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2012. VIAC cho rằng, với cơ sở hồ sơ do SK E&C đệ trình, việc Vinalines đã không thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng khi từ chối thanh toán khối lượng cọc thép được nhập về Việt Nam và khi hạng mục đó đã có xác nhận của tư vấn giám sát.

Trước đó, để triển khai Dự án Cảng Vân Phong, vào tháng 10/2009, Vinalines và liên danh nhà thầu là SK E&C - Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) đã ký hợp đồng số 03/VP/2009/HĐ - HHVN thi công gói thầu số 6b1. Hợp đồng xây dựng cầu tàu này có giá trị gần 1.000 tỷ đồng và được khởi công vào tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công.

Theo phán quyết của VIAC, ngay cả khi nhà thầu chưa hoàn thiện bộ hồ sơ thanh toán, nhưng nếu tư vấn đã phát hành Chứng chỉ thanh toán tạm, thì chủ đầu tư buộc phải thanh toán. “Thậm chí, ngay cả trong trường hợp tư vấn không kiểm tra sự chính xác và tính phù hợp của Hồ sơ thanh toán mà vẫn thông qua và trình lên Vinalines, thì chủ đầu tư vẫn phải phê duyệt và thanh toán, rồi sẽ đi kiện tư vấn để đòi lại”, phía VIAC đưa ra quan điểm.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Cảng biển (Vinalines), nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải phụ trách cảng Vân Phong khẳng định: “Chúng tôi không thể nhắm mắt ký hồ sơ thanh toán chưa hoàn thành, có thể dẫn tới sai phạm trong quản lý vốn, gây thất thoát tài sản của Nhà nước”.

Ông Sơn cho biết, trong quá trình VIAC thụ lý vụ việc, Vinalines đã nộp đầy đủ tài liệu chứng minh, cũng như trình bày cụ thể tại các phiên xét xử, nhưng VIAC vẫn ra phán quyết buộc Tổng công ty phải thanh toán ngay giá trị lô cọc 544 đoạn SPP mà SK E&C tự mang đến công trường và tự tính giá, cũng như các khoản lãi phát sinh với số tiền tổng cộng hơn 65 tỷ đồng, sau khi đã khấu trừ trực tiếp khoản hơn 87 tỷ đồng tạm ứng trước đó cho nhà thầu này.

Vinalines cho rằng, VIAC ra phán quyết mà không căn cứ vào các quy định Hợp đồng về nghiệm thu và thanh toán. Cụ thể, SK E&C không hề có giá trị hoàn thành và kê khai thuế hàng tháng theo Điều 14.3 của Hợp đồng; không có hồ sơ thanh toán theo Điều 14.17; không có hồ sơ sản xuất lô cọc ống thép; không có biểu xác định giá lô cọc theo Điều 13.8.2/ĐKR Hợp đồng có xác nhận của chủ đầu tư.

Đáng lưu ý là, SK E&C sử dụng một chứng cứ giả mạo là bản photocopy một thư trao đổi công việc giữa tư vấn giám sát và Giám đốc Ban Quản lý dự án để làm “Chứng chỉ thanh toán tạm” cung cấp cho VIAC xét xử. VIAC không hề xác minh tài liệu quan trọng này với tư vấn giám sát và Giám đốc Ban Quản lý dự án khi xét xử và ra phán quyết.

Bên cạnh đó, Vinalines cũng cho rằng, chính SK E&C mới là bên vi phạm hợp đồng, khi nhà thầu này đã không thực hiện trách nhiệm thầu chính theo các quy định trong hợp đồng đã ký cũng như theo pháp luật Việt Nam về thực hiện dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Lô cọc ống thép nhà thầu này đưa đến công trường là sai quy cách, không có hồ sơ sản xuất, không tuân thủ hợp đồng về số lượng và giá cả. Ngoài ra, SK E&C không thực hiện quy định nghiệm thu khối lượng, khai thuế hàng tháng và ký đề nghị thanh toán.

“Tổng công ty luôn sẵn sàng thanh toán đầy đủ với phần việc mà nhà thầu đã thực hiện, theo đúng trình tự thủ tục, nên không thể nói chúng tôi đang có tranh chấp với SK E&C. Khi không có tranh chấp, thì đương nhiên, việc VIAC ra phán quyết cho vụ việc là điều không thật sự hợp tình, hợp lý”, ông Vũ Quyết Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải (Vinalines) cho biết.

Do không đồng ý với phán quyết có nguy cơ gây thiệt hại lớn đến tài sản nhà nước, Vinalines đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu hủy phán quyết theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại và được Tòa án thông báo thụ lý vào ngày 7/3/2014.

“Vinalines quyết theo đuổi vụ việc đến cùng để tránh một khoản thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước từ một phán quyết sẽ đi vào lịch sử tranh tụng trọng tài thương mại Việt Nam như trò cười”, ông Sơn khẳng định.

Tin bài liên quan