Vàng Bồng Miêu và Phước Sơn: ăn vạ gây áp lực?

Vàng Bồng Miêu và Phước Sơn: ăn vạ gây áp lực?

Xung quanh vụ việc các công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Khai thác vàng Bồng Miêu tạm đóng cửa, không ít người đặt câu hỏi, có hay không chuyện doanh nghiệp gây áp lực tới chuyện truy thu thuế.

Vàng Bồng Miêu và Phước Sơn: ăn vạ gây áp lực? ảnh 1

Nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu đang phải tạm ngừng sản xuất để khắc phục sự cố

Một số phương tiện truyền thông cho hay, sau cuộc làm việc với chính quyền địa phương, đại diện Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã tuyên bố sẽ sớm mở cửa trở lại. Đại diện doanh nghiệp cũng đưa ra cam kết trả nợ cho người dân và các doanh nghiệp đối tác cung cấp dịch vụ, với điều kiện phải để cho Công ty hoạt động lại, chứ không thể phong tỏa như vậy.

Trong khi đó, ngày 27/11, Công ty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu cũng gửi Thông báo số 637TB-13/BGM tới UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Phú Ninh cùng một số sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, báo cáo về tình trạng sạt lở, ngập nước khiến nhà máy khai thác vàng này phải tạm ngừng sản xuất để khắc phục sự cố.

Được biết, hơn 950 cán bộ, công nhân người Việt Nam và nước ngoài của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn tạm thời nghỉ việc được hưởng lương tối thiểu theo quy định 1.650.000 đồng/tháng cho đến khi tình trạng được giải quyết.

Tương tự, hơn 700 cán bộ, công nhân người Việt Nam và nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu cũng nhận được thông báo nghỉ việc tạm thời và hưởng mức lương tối thiểu 1.650.000 đồng/tháng cho đến khi được thông báo làm việc trở lại.

Việc tạm đóng cửa nhà máy để khắc phục các sự cố do thiên tai hoặc do mâu thuẫn với các đối tác cung cấp dịch vụ của hai doanh nghiệp vàng này đúng vào thời điểm tình hình kinh doanh, sản xuất gặp nhiều khó khăn khiến không ít người băn khoăn.

Trước đó, Báo Đầu tư đã có bài viết liên quan đến việc cơ quan hải quan khi kiểm tra sau thông quan tại hai doanh nghiệp khai thác vàng nêu trên trong thời gian 5 năm từ 2007 - 2012 đã đưa ra quyết định truy thu thuế xuất khẩu với số tiền lên tới 202 tỷ đồng tại Vàng Phước Sơn và 48 tỷ đồng tại Vàng Bồng Miêu, bởi trong gần 5 tấn vàng nguyên liệu mà đối tác nước ngoài là Besra đã xuất khẩu, không có chứng thư giám định của doanh nghiệp duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chỉ định được giám định vàng là Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Theo quy định hiện hành, vàng nguyên liệu khi xuất khẩu có hàm lượng vàng 99,99% sẽ được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Tuy nhiên, các lô hàng vàng của Phước Sơn và Bồng Miêu khi xuất khẩu không có chứng chỉ kiểm định hàm lượng của SJC, mà còn bị hải quan phát hiện là phía nước ngoài trả tiền cho hàm lượng không đủ 99,99% để được hưởng thuế xuất khẩu 0%.

Bấy lâu nay, các lô vàng nguyên liệu của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đều được đối tác nước ngoài chỉ định xuất khẩu cho Argor-Heraues SA (Thuỵ Sỹ) để tiến hành phân kim.

Hiện tại, Bộ Tài chính đã cho phép tạm khoanh khoản truy thu này trong thời gian doanh nghiệp còn đang khiếu nại và cơ quan chức năng chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong một diễn biến khác, hai doanh nghiệp khai thác vàng cũng đã thoát hiểm khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên để áp dụng cho năm 2014, với việc giữ nguyên thuế suất đối với hoạt động khai thác, chế biến vàng là 15%.

Trước đó, khi làm việc với các cơ quan hữu trách của Việt Nam, ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra Gold Inc, người đang nắm giữ 85% vốn điều lệ của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và 80% vốn của Công ty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu cho hay, nếu mức thuế tài nguyên được duy trì như cũ, Besra cam kết đầu tư thêm 11 triệu USD hàng năm để mở rộng hoạt động tại Việt Nam và đầu tư khoảng 25 triệu USD để khai thác mỏ Hố Ráy cũng tại khu vực tỉnh Quảng Nam.