Cần thay đổi tư duy nhà quản lý về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Cần thay đổi tư duy nhà quản lý về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Ứng xử với ma trận điều kiện kinh doanh thế nào?

(ĐTCK) Ma trận về điều kiện kinh doanh (xem ĐTCK số 72) khiến chuyên gia Nguyễn Đình Cung bức xúc đặt câu hỏi “Các quy định trái luật đã tồn tại hàng chục năm nay, chúng ta sẽ xử lý thế nào với các điều kiện kinh doanh không phù hợp?”. Dưới đây là bài viết của Luật sư Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin & Vecchi, chia sẻ quan điểm xử lý vấn đề này.

Nghĩa vụ chứng minh

Người có yêu cầu phải chứng minh cho yêu cầu của mình - đây là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự và có lẽ cũng cần được áp dụng triệt để cho việc xây dựng, thực thi các điều kiện kinh doanh. Cụ thể, cơ quan nhà nước khi đề xuất, xây dựng, thiết kế một điều kiện kinh doanh nhất định cần chứng minh một cách thuyết phục tính cần thiết, hợp pháp và hợp lý của điều kiện đó.

Luật Đầu tư 2014 quy định, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia,  trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Nếu Nhà nước không chứng minh được một điều kiện kinh doanh đề xuất nào đó rơi vào các lý do được liệt kê ở trên, điều kiện kinh doanh đó cần phải được bác bỏ, hoặc nếu  đã được thông qua và có hiệu lực thì cần phải được bãi bỏ.

Nhà nước cũng có nghĩa vụ chứng minh sự cần thiết, hợp pháp, hợp lý, công bằng, minh bạch của các quy trình, hồ sơ hành chính về điều kiện kinh doanh. Nếu thất bại trong việc chứng minh này, Nhà nước buộc phải bác bỏ, sửa đổi, bãi bỏ các yêu cầu về hồ sơ, quy trình đó một cách tương ứng.

Thực ra, vấn đề này đã được Nghị định 63/2010/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 48/20l3/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính quy định, nhưng dường như ít ai để ý đến các nghị định này, chứ chưa nói đến việc thực hiện chúng một cách nghiêm túc. 

Bộ Tư pháp là trọng tài, nhưng khó có thể phân xử

Nhà nước có nghĩa vụ chứng minh như đã đề cập ở trên, nhưng ai kiểm soát việc chứng minh này? Hay nói cách khác, ai là người phân xử một điều kiện kinh doanh, quy trình, hồ sơ đáp ứng điều kiện kinh doanh đã hợp pháp, hợp lý, thuyết phục?

Hiện nay, theo Nghị định 63 và Nghị định 48, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, bao gồm các thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện kinh doanh. Kiểm soát ở đây được hiểu bao gồm kiểm soát ban hành và kiểm soát thực thi. Như vậy, Bộ Tư pháp chính là trọng tài phân xử tính hợp pháp, hợp lý, minh bạch, thống nhất, đồng bộ... của một điều kiện kinh doanh nhất định và việc thực thi điều kiện kinh doanh đó.

Các điều kiện kinh doanh như chúng ta biết đều do các bộ, ngành đệ trình Chính phủ hoặc Quốc hội chấp thuận. Liệu Bộ Tư pháp, với tư cách là cơ quan ngang cấp, có đủ tiếng nói để can thiệp vào “công việc nội bộ” của các bộ, ngành khác hay không? Chúng tôi e rằng, câu trả lời phần nhiều là không. Thực tế đã chứng minh, cơ quan này hiện khó có thể kiểm soát nổi vô vàn các thủ tục hành chính, giấy phép, giấy chứng nhận và các “con, cháu” của chúng do các bộ, ngành khác tham mưu, đề xuất ban hành hay thậm chí tự ban hành.

Ngoài ra, bản thân Bộ Tư pháp cũng là một cơ quan hành pháp trong bộ máy Chính phủ, không thể hoạt động một cách độc lập, nên việc kiểm soát hoạt động của các bộ, ngành khác là không đảm bảo tính khách quan, nhiều trường hợp có thể có xung đột về lợi ích.  

Giải pháp nào?

Quả thật, khó có thể có một giải pháp để xử lý triệt để tình trạng thiếu kiểm soát việc xây dựng, ban hành các điều kiện kinh doanh hiện nay. Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) dường như đang  nỗ lực đưa ra cơ chế kiểm soát việc ban hành điệu kiện kinh doanh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, thông qua cơ chế tham vấn của cơ quan ban hành chính sách với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đề xuất này, nếu được thông qua, có thể tăng thêm tiếng nói phản biện từ doanh nghiệp, nhưng chắc vẫn chưa thể triệt để. Bởi lẽ, VCCI dù có tiếng nói lớn hơn, nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

Nên chăng, trước mắt cần thành lập một “Ban đặc nhiệm” về rà soát điều kiện kinh doanh, giúp Chính phủ xử lý vấn đề này. Thành phần “Ban đặc nhiệm” cần đồng thời bao gồm đại diện giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà quản lý. “Ban đặc nhiệm” cần được trao quyền tối đa để “dọn dẹp” tất cả các điều kiện kinh doanh bất hợp pháp, bất hợp lý, bất bình đẳng… cản trở hoạt động, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Tất nhiên, điều quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy con người,  tư duy nhà quản lý về quyền tự do kinh doanh của DN. Chỉ khi tư duy thay đổi mới mong có sự thay đổi triệt để về xây dựng và thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh. Nếu không thay đổi tư duy, việc ban hành các cơ chế kiểm soát mới hay thành lập thêm các cơ quan kiểm soát sẽ không có nhiều tác dụng.

Tin bài liên quan