TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung: Phải trị căn bệnh coi trọng đúng quy trình hình thức

(ĐTCK) “Để đưa nhiều nội dung cải cách của Luật Doanh nghiệp 2014 vào cuộc sống trong thời gian tới, điều quan trọng đầu tiên là thái độ, cách thức quản lý của công chức nhà nước phải thay đổi, tránh tình trạng bị động, sợ trách nhiệm như hiện nay”, người tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp ngay từ đầu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị khi trao đổi với ĐTCK.

Theo ông, đâu là những cải cách mạnh mẽ của Luật Doanh nghiệp 2014 giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động sau khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015?

Các nội dung cải cách nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2014 là quyền tự do kinh doanh được mở tối đa và được bảo đảm một cách chắc chắn hơn; mức độ rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh giảm; quyền lợi của nhà đầu tư được bảo vệ tốt hơn; các loại chi phí giao dịch, tuân thủ liên quan đến thành lập doanh nghiệp, cũng như thiết lập các giao dịch khác sẽ giảm...

Với những cải cách như vậy, những người xây dựng Luật kỳ vọng, khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực sẽ tạo ra sinh khí, động lực mới trong tạo dựng doanh nghiệp, cũng như hoạt động kinh doanh. 

Nhiều nội dung cải cách là vậy, nhưng từ kinh nghiệm bốn lần tham gia xây dựng Luật Doanh nghiệp, theo ông, cách nào để những nội dung đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2014 đi vào cuộc sống?

Đưa những cải cách của hệ thống luật pháp nói chung, Luật Doanh nghiệp nói riêng vào cuộc sống là vấn đề nan giải, bởi đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan.

Để đưa Luật Doanh nghiệp 2014 vào cuộc sống, phát huy tối đa những tác động tích cực từ các nội dung cải cách, điều quan trọng đầu tiên là thái độ, cách thức quản lý của công chức nhà nước phải thay đổi. Đây là thách thức không nhỏ, bởi nhiều công chức Việt Nam còn bị động, sợ trách nhiệm. Luật đã quy định nội dung gì, thì cứ thế mà thực hiện, tránh tình trạng chờ thông tư, công văn hướng dẫn. 

Ngay cả khi luật đã quy định rõ ràng, nhưng thực tế cho thấy, nếu cán bộ, công chức máy móc làm đúng quy trình, thủ tục, mà không quan tâm đến bản chất vấn đề trong quá trình giải quyết công việc cho người dân, DN, thì khi đối mặt với rắc rối, thậm chí thiệt hại, DN chẳng biết kêu ai?

Luật đã quy định chi tiết về nội dung, thì các bên phải tôn trọng ý chí của nhau trong quá trình thiết lập các giao dịch, cũng như xử lý các tranh chấp theo hướng chú trọng vào thực chất của vấn đề, chứ không nên quá chú trọng vào trình tự, thủ tục, hình thức. Hiện căn bệnh hình thức rất nặng. Làm gì cũng đúng quy trình, thủ tục, trong khi cái quan trong hơn, cốt lõi hơn là bản chất của sự việc lại bị bỏ qua hoặc xem nhẹ.

Căn bệnh coi trọng quy trình là cách giải thoát trách nhiệm dễ nhất cho cán bộ, công chức, bởi miễn là làm đúng quy trình, còn khi dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người dân thì họ không có trách nhiệm gì cả. 

Cách nào để trị căn bệnh hình thức, thưa ông?

Muốn trị căn bệnh đúng quy trình theo kiểu hình thức, thì điều quan trọng là cần phải nâng cao trách nhiệm giải trình của hệ thống cơ quan công quyền các cấp.

Nếu tiếp tục tồn tại tình trạng kém minh bạch về trách nhiệm giải trình liên quan đến việc ban hành, tổ chức triển khai chính sách, thì các nội dung cải cách của Luật Doanh nghiệp sẽ khó phát huy hiệu quả trong thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. 

Còn với người dân, doanh nghiệp, họ cần làm gì để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của họ theo những nội dung cải cách của Luật Doanh nghiệp?

Luật Doanh nghiệp 2014 đã trao cho người dân, doanh nghiệp nhiều quyền, nên họ cần chủ động, tích cực sử dụng tối đa những quyền này, để tận dụng hiệu quả cơ hội kinh doanh, cũng như bảo vệ tốt các quyền và lợi ích của mình. Điều đáng ngại là nhiều khi người dân, doanh nghiệp không chú ý vấn đề này, mà bị động làm theo kiểu người khác làm thì làm theo, chứ tự mình không tự chủ, nên giảm đi ý nghĩa cải cách của luật. Bởi vậy, vai trò của các tổ chức tư vấn pháp lý, các luật sư rất quan trọng trong việc đưa các nội dung đổi mới của Luật Doanh nghiệp vào cuộc sống.

Tin bài liên quan