Việc góp vốn tại Dự án Khu biệt thự ven suối Con Gái có dấu hiệu cho vay nặng lãi

Việc góp vốn tại Dự án Khu biệt thự ven suối Con Gái có dấu hiệu cho vay nặng lãi

Tranh chấp vốn góp tại Dự án Khu biệt thự ven suối Con Gái

(ĐTCK) Hàng loạt điều khoản, nội dung bất hợp lý trong hợp đồng đã hé lộ bản chất của việc góp vốn là nhà đầu tư cho chủ đầu tư vay tiền lấy lãi suất cao.

Góp vốn hay cho vay nặng lãi?

Dự án Khu biệt thự ven suối Con Gái thuộc Khu dân dụng Bắc Phú Cát, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng.

Năm 2008, Công ty Thành Hưng ký kết hợp đồng liên danh đầu tư dự án với Công ty TNHH Hoàng Long. Công ty Thành Hưng là đại diện liên danh. Công ty Hoàng Long sở hữu 49% phần vốn góp. Liên danh được Ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho 190.536,44 m2 đất.

Cũng trong năm này, liên danh thế chấp quyền sử dụng đất và cơ sở hạ tầng trên diện tích đất dự án cho ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay tối đa không vượt quá 54,8 tỷ đồng.

Vụ việc phát sinh tranh chấp khi năm 2012, Công ty Hoàng Long ký hợp đồng góp vốn với ông Nguyễn Quốc Thịnh để xây dựng kết cấu hạ tầng dự án. Theo đó, ông Thịnh góp 31,3 tỷ đồng, thời hạn hợp đồng là 2 tháng 14 ngày (từ 14/10 - 28/12/2012), còn Công ty Hoàng Long cam kết sẽ chuyển nhượng cho ông Thịnh các lô đất trong dự án, với tổng diện tích 37.601 m2, giá 1 triệu đồng/m2.

Khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, số vốn đầu tư đã giao được đối trừ vào nghĩa vụ thanh toán.

Công ty Hoàng Long cho biết, hợp đồng góp vốn thực chất là để che giấu giao dịch cho vay tiền với lãi suất cao. Tính từ năm 2009 đến 2012, Công ty đã vay của vợ chồng ông Thịnh tổng cộng 128,4 tỷ đồng để đầu tư vào dự án và đã trả được 127,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do bên cho vay tính lãi cộng dồn và người vay phải trả lãi trước rồi mới tính phần còn lại vào gốc, nên đến ngày 14/10/2012, Công ty Hoàng Long phải trả tổng nợ gốc là 31,3 tỷ đồng.

Biết Công ty Hoàng Long không có khả năng trả nợ đúng hạn, ông Thịnh buộc đối tác phải chuyển số tiền nợ 31,3 tỷ đồng thành tiền góp vốn thực hiện dự án.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên tiếp tục ký kết các phụ lục hợp đồng, tương ứng với các kỳ trả lãi. Công ty Hoàng Long đã hoàn trả được 25,2 tỷ đồng, còn nợ lãi 6,1 tỷ đồng. Công ty này đề nghị được trả bằng tiền mặt. Trường hợp ông Thịnh không chấp nhận thì đề nghị tòa án tuyên bố hợp đồng góp vốn là vô hiệu vì đây là hợp động giả tạo.

Trong khi đó, ông Thịnh khẳng định, hợp đồng ký kết là tự nguyện, bình đẳng, việc góp vốn là có thật.

Giao dịch vô hiệu

Bản án sơ thẩm đã bác yêu cầu của Công ty Hoàng Long. Do đó, công ty này tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm - Tòa án nhân dân TP.Hà Nội.

Đánh giá lại vụ việc, tòa phúc thẩm nhận thấy hợp đồng góp vốn là giả tạo, có dấu hiệu cho vay nặng lãi (quy định tại Điều 163-Bộ luật Hình sự), hợp đồng không bảo đảm quyền lợi của các bên khi tham gia.

Bằng chứng là các phụ lục hợp đồng đều do vợ ông Vũ Đình Chung (Giám đốc Công ty Hoàng Long) làm đại diện ký, nhưng không có ủy quyền, không có dấu Công ty. Đáng chú ý, theo nội dung, thỏa thuận tại hợp đồng và phụ lục hợp đồng, khi hết hạn, Công ty Hoàng Long phải thanh toán 39,1 tỷ đồng, bao gồm 31,3 tỷ đồng vốn góp.

Theo hợp đồng gia hạn số 04, đến hết ngày 28/12/2012, tức trong thời hạn đầu tư là 1 năm 2 tháng 14 ngày, tổng số vốn và lợi nhuận bên góp vốn được hưởng là 50,2 tỷ đồng và diện tích đất Công ty Hoàng Long cam kết chuyển nhượng là 50.449 m2.

Trong khi đó, Công ty Hoàng Long khai nhận đã hoàn trả trước một phần vốn đầu tư và lợi nhuận là 15,4 tỷ đồng và tổng số tiền thanh toán cho ông Thịnh là 65,6 tỷ đồng (tăng 34,3 tỷ đồng so với vốn góp).

Theo tòa phúc thẩm, cộng cả số tiền Công ty Hoàng Long thanh toán tại 3 phiếu chi năm 2010, số tiền được trả cho ông Thịnh là 73,3 tỷ đồng. Đặc biệt, tại thời điểm tòa sơ thẩm xem xét, dự án vẫn đang tiến hành san ủi đất làm hạ tầng, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, nên chưa có lợi nhuận phát sinh để chia lợi nhuận cho nhà đầu tư. Cùng với đó, hợp đồng trên cũng không phù hợp quy định tại Khoản 16, Điều 3 và Điều 23-Luật Đầu tư về hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Với những lý do trên, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên hợp đồng góp vốn vô hiệu do giả tạo. Theo đó, giao dịch trên không phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.   

Hợp đồng góp vốn có nhiều sai sót

Theo tòa phúc thẩm, ông Thịnh phải ký kết hợp đồng góp vốn với liên danh, tức là với cả Công ty Hoàng Long và Công ty Thành Hưng. Tuy nhiên, trong hợp đồng góp vốn, Công ty Thành Hưng chỉ tham gia với tư cách là người làm chứng.

Mặt khác, toàn bộ diện tích đất dự án được liên danh đã thế chấp cho ngân hàng. Khi ký kết hợp đồng, các bên không thông báo cho ngân hàng, nên không được ngân hàng chấp thuận.

Tin bài liên quan