Tranh chấp với Hanel, Songhongland kêu khổ

Tranh chấp với Hanel, Songhongland kêu khổ

Tranh chấp quanh việc thuê 1.350 m2 sàn thương mại tại 165 Thái Hà chưa đi đến hồi kết. Sự việc kéo dài 9 tháng qua khiến hàng ngàn m2 bỏ phí, DN rơi vào khó khăn, khủng hoảng.

Không đủ điều kiện vẫn đòi tái định cư

 

Ngày 20/5/2013, Hanel có văn bản số 347/CV-Hanel gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị sửa đổi Quyết định giao đất số 2568/QĐ-UBND ngày 03/7/2008 của UBND Thành phố, để bổ sung phần diện tích tái định cư 1.350 m2 tại tầng 1 cho Hanel. Với yêu cầu này, Hanel đã bỏ qua nội dung Biên bản Thỏa thuận số 126/2010/BBTT ngày 2/8/2010 ký giữa Hanel - Tổng Công ty CP Sông Hồng - SongHongLand về việc giải quyết quyền lơi của Công ty Hanel tại Dự án Xây dựng nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2. Thực hiện Biên bản thỏa thuận này suốt 4 năm qua, Hanel đã đã và đang nhận đầy đủ các quyền lợi từ chủ đầu tư theo thỏa thuận.

 

Tuy nhiên, khi gửi văn bản đòi quyền lợi phần diện tích 1.350m2 lấn chiếm trước khi chuyển giao dự án gửi đến các cơ quan chức năng, Hanel đã không đề cập đến Thỏa thuận số 126/2010/BBTT và những quyền lợi đã nhận từ năm 2008 đến nay.

 

Sau khi nhận được văn bản của Hanel, ngày 3/6/2013, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản số 3935/UBND-KH&ĐT về việc giải quyết đề nghị của Hanel xin điều chỉnh Quyết định giao đất số 2568/QĐ-UBND ngày 3/7/2008 của UBND Thành phố. Theo đó, giao Sở TN &MT chủ trì họp giải quyết kiến nghị của Công ty Hanel.

 

Ngày 20/6/2013, Sở TN&MT tổ chức họp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố, Tổng Công ty CP Sông Hồng và Hanel về việc này. Tại buổi làm việc, Công ty Hanel vẫn không đưa ra được hồ sơ chứng minh 1.350m2 là diện tích sử dụng hợp pháp của mình.

 

Ngày 19/7/2013, Sở TN&MT Hà Nội có văn bản số 3509/ STNMT - KHTH trình UBND TP.Hà Nội chấp thuận bổ sung cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Hanel và điều chỉnh Quyết định 2568 của UBND Thành phố.

 

Tại văn bản này cũng đã thừa nhận phần diện tích tầng 1 của Công ty Hanel sử dụng không có hợp đồng thuê đất với Nhà nước, chỉ có các chứng từ nộp tạm tiền thuê đất từ năm 2001.

 

Sau khi có văn bản 3509 của Sở TN&MT, ngày 5/8/2013 UBND TP.Hà nội đã ban hành công văn số 5579/ UBNDTP - TNMT về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với diện tích nhà đất thuốc sở hữu Nhà nước tại dự án I1,I2,I3 khu tập thể Thành Công (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội).

 

Tại Biên bản này, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Ban chỉ đạo GPMB TP, UBND quận Đống Đa bổ sung cơ chế chính sách bồi thường tái định cư với Hanel; giao Sở TN&MT thu hồi giao toàn bộ diện tích nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước được bảo toàn tại dự án cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, cho thuê.

 

UBND Thành phố cho rằng, khi thực hiện dự án các đơn vị không lập được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư diện tích nhà đất trên cho Nhà nước là trái quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Trách nhiệm này thuộc về UBND Quận Đống Đa, Tổng Công ty CP Sông Hồng và Công ty Hanel.

 

Ngày 21/8/2013 UBND TP.Hà Nội tiếp tục ký công văn số 6062/UBND - TN&MT về việc tạm bàn giao 1.350 m2 nhà và 126 m2 ki ốt thuộc sở hữu Nhà nước tại dự án.

 

Trước tình thế này, ngay sau khi có kết luận cuộc họp ngày 20/6/2013 tại Sở TN&MT, chủ đầu tư đã liên tiếp có văn bản gửi TP.Hà Nội và Sở TN&MT phản đối kết luận cuộc họp và nếu rõ các căn cứ theo quy định pháp luật về việc không thể có cơ chế bồi thường hỗ trợ tái định cư cho Hanel nhưng vẫn không được phúc đáp.

 

Quyền lợi nhận hết, thỏa thuận chối bỏ

 

SongHongLand cho biết, trong quá trình triển khai GPMB từ 2008 cho đến nay, chủ đầu tư đã nhiều lần yêu cầu cung cấp hồ sơ chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp nhưng phía Công ty Hanel và Xí nghiệp Quản lý & Phát triển Nhà số 2 (Quận Đống Đa) không thể cung cấp được hồ sơ chứng minh nguồn gốc đất sử dụng là hợp pháp. Do đó chủ đầu tư không có cơ sở pháp lý để lập phương án bồi thường theo cơ chế được phê duyệt.

 

Trong khi đó, theo bản đồ hiện trạng (xác định tại thời điểm trước khi GPMB) của nhà tập thể I1, I2, I3 khu tập thể Thành Công 2 cũ, thì diện tích 1.350m2 mặt bằng Công ty Hanel sử dụng chính là phần diện tích được xây dựng cơi nới lấn chiếm trên phần đất đã được quy hoạch là đất lưu không giữa nhà I1, I2, I3.

 

Đại diện chủ đầu tư cho rằng, vì 1.350m2 là đất Công ty Hanel lấn chiếm đất lưu không nên không thuộc diện được bố trí tái định cư. Và theo quy định tại Điểm đ - Điều 5 - Mục II - Nghị quyết 34/2007/NQ-CP ngày 3/7/2007:"Các trường hợp tự cơi nới, xây dựng công trình trên đất lấn chiếm tại khu vực dự án không được bồi thường về đất (trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật), chỉ được ưu tiên mua căn hộ trong phạm vi dự án theo giá kinh doanh (nếu có nhu cầu) và được hỗ trợ bằng tiền tương đương 10% giá xây dựng mới công trình đó để thực hiện việc phá dỡ, di chuyển".

Tranh chấp với Hanel, Songhongland kêu khổ ảnh 1

 

Cũng theo điều 42 Nghị định 197/2004/ NĐ-CP(3/12/2004) của Chính phủ quy định: Trường hợp người được giao đất, được thuê đất hoặc tổ chức phát triển quỹ đất thỏa thuận được với người bị thu hồi đất về mức bối thường hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này thì được thực hiện sự thỏa thuận đó".

 

"Nhà nước quy định được phép thỏa thuận bối thường hỗ trợ GPMB, nên việc Chủ đầu tư ký biên bản thọa thuận 126/2010/BBTT không đi ngược lại quy định của Pháp luật", Đại diện SongHongLand khẳng định.

 

Chủ đầu tư cũng cho biết thêm, trong trường hợp Hanel có đủ hồ sơ chứng minh diện tích 1.350m2 đất có nguồn gốc đất hợp pháp thì Công ty hanel là đơn vị thuộc Nhà nước giao quản lý tài sản này. Vị vây, Hanel là đơn vị có trách nhiệm báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thành phố để không làm thất thoát tái sản nhà nước (nếu có) trước khi ký biên bản thỏa thuận với chủ đầu tư.

 

Giả sử, thỏa thuận là vô hiệu do Công ty Hanel là đối tượng bị thu hồi đất mà không được bồi thường và Hanel chưa xin ý kiến của Thành phố về phương án thỏa thuận bồi thường hỗ trợ GPMB thì các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm của Hanel về việc tự đưa tài sản nhà nước ra thỏa thuận.

 

Thực tế, ngay sau khi tranh chấp xảy ra, Tổng Công ty CP Sông Hồng và SongHongLand đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị UBND TP.Hà Nội chủ trì đối thoại giữa các đơn vị liên quan để giải quyết dứt điểm việc tranh chấp 1.350 m2 đất tại 165 Thái Hà. Thế nhưng cho đến nay, các ý kiến của chủ đầu tư vẫn không có phúc đáp và việc giải quyết khiếu nại đều qua đường văn bản.

 

Tình hình kéo dài hơn 9 tháng qua, tòa nhà dù đã xây xong nhưng chủ đầu tư vẫn không thể cho thuê diện tích văn phòng. Điều này gây thiệt hại lớn, đẩy DN vào chỗ khó khăn.

 

Vì thế, chủ đầu tư khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại vẫn đề một cách thấu đáo, đúng thực tế từ đó xác định rõ đối tượng sở hữu và sử dụng 1.350 m3 đất đang xảy ra tranh chấp để giải quyết đúng pháp luật.