Khi vay vốn cần thận trọng, tìm hiểu kỹ những khoản lãi, biểu phí, lãi phạt

Khi vay vốn cần thận trọng, tìm hiểu kỹ những khoản lãi, biểu phí, lãi phạt

Tranh chấp lãi suất vì doanh nghiệp “nhắm mắt đưa chân”

(ĐTCK) Khi việc kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng trở thành gánh nặng è cổ doanh nghiệp. Số nợ tăng vọt vì lãi quá hạn, lãi phạt chậm trả.

Vay được vốn của ngân hàng, với doanh nghiệp, nhiều khi được coi như một nửa thành công cho ý tưởng, dự án kinh doanh chuẩn bị triển khai. Nhưng khi việc kinh doanh gặp khó khăn, không thể trả nợ đúng hạn thì các khoản nợ lãi thực sự là gánh nặng, chứ chưa nói đến nợ gốc.

Đơn cử trường hợp tranh chấp tín dụng giữa Eximbank và Công ty TNHH Gia Hùng vừa qua. Công ty Gia Hùng là một doanh nghiệp có quy mô vừa phải, khi được Eximbank cấp hạn mức tín dụng, chủ doanh nghiệp rất mừng bởi việc này đảm bảo Công ty có nguồn tài chính để kinh doanh với lãi suất hợp lý, ít nhất là không khắc nghiệt bằng tín dụng “đen”.

Nhưng khi kinh tế gặp khó khăn, Công ty không thể trả nợ Ngân hàng đúng hạn. Eximbank nhiều lần giục nợ rồi kiện doanh nghiệp ra tòa. Thừa nhận có vay nợ Ngân hàng và đồng ý trả nợ, nhưng suốt quá trình giải quyết tại tòa án, Công ty Gia Hùng luôn đề nghị Ngân hàng giảm bớt một phần lãi trong hạn, miễn lãi quá hạn, lãi phạt và gia hạn thời gian trả nợ để Công ty có điều kiện trả nợ.

Những đề nghị này đều không được phía Eximbank chấp thuận, bởi Ngân hàng có quy định về quản lý riêng và không thể tùy tiện miễn lãi, giảm lãi cho khách hàng.

Việc này khiến doanh nghiệp “bức bối”, vì theo Công ty Gia Hùng, hợp đồng tín dụng có quy định điều chỉnh lãi suất định kỳ 1 tháng 1 lần, nhưng thực tế Ngân hàng không điều chỉnh lãi suất cho Công ty. Ngoài ra, việc quy định 3 loại lãi trong hợp đồng (lãi trong hạn, lãi quá hạn, lãi phạt chậm trả) là chồng chéo, lãi chồng lãi và quy định lãi phạt là vi phạm quy định của pháp luật.

Trường hợp khác, một doanh nghiệp được HDBank cấp hạn mức tín dụng 2 tỷ đồng, lãi suất hơn 24%/năm, điều chỉnh định kỳ 3 tháng 1 lần. Khi doanh nghiệp không trả được nợ, HDBank đã khởi kiện đòi doanh nghiệp 3,3 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Tài liệu vụ việc cho thấy, doanh nghiệp đang phải gánh các khoản lãi không nhỏ gồm lãi trong hạn 24%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn, tương đương hơn 36%/năm chưa kể lãi phạt chậm trả.

Quá trình giải quyết vụ việc, phía doanh nghiệp cho hay, việc cho vay được thực hiện vào năm 2011, sau đó nửa cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ban hành 2 thông tư yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay lần lượt xuống còn 15%/năm, rồi 13%/năm.

Chính sách của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh cầu thấp và cần hỗ trợ sản xuất, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng chính sách này. Dù hợp đồng quy định điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng 1 lần, nhưng Ngân hàng không điều chỉnh và doanh nghiệp cũng không được điều chỉnh lãi suất từ 24%/năm về mức 15%/năm và 13%/năm như quy định. Theo chủ doanh nghiệp, điều này khiến Công ty thiệt thòi rất lớn.

Vụ việc vẫn đang kéo dài do bản án sơ thẩm đã bị cấp phúc thẩm hủy, giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại. Tuy nhiên, những quan điểm tranh luận tại phiên tòa cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đòi hỏi Ngân hàng phải cung cấp bằng chứng đã điều chỉnh lãi suất định kỳ theo hợp đồng, mà không chấp nhận việc áp lãi suất 24%/năm cho suốt thời kỳ vay.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu hoạt động dựa vào vốn vay. Bởi vậy, khi nguồn vốn vay là nguồn tài chính quan trọng để bổ sung vốn lưu động, để đầu tư mở rộng sản xuất, thì việc được ngân hàng cam kết tài trợ vốn là một tin mừng. Nhưng sau niềm vui mừng khi được ngân hàng cho vay, quá trình vay vốn phát sinh nhiều vấn đề xung quanh nợ lãi, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp thường chỉ tính đến nợ gốc và khoản lãi trong hạn phải thanh toán hàng tháng, mà chưa lường hết rủi ro khi chẳng may có khó khăn, không thanh toán nợ đúng hạn.

Thông thường, ngoài nợ gốc, hợp đồng tín dụng đều có quy định điều chỉnh lãi suất định kỳ hoặc là lãi suất thả nổi, cũng như quy định về lãi suất nợ quá hạn, lãi phạt chậm trả, bồi thường thiệt hại. Khi không trả được nợ đúng hạn, doanh nghiệp sẽ bị ngân hàng chuyển khoản nợ thành nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải trả thêm các khoản như bồi thường thiệt hại, áp lãi phạt chậm trả…

Một chủ doanh nghiệp chia sẻ, khi vay vốn cần thận trọng, tìm hiểu kỹ những khoản lãi, biểu phí, lãi phạt. Ngay cả các dịch vụ tài khoản cũng có rất nhiều loại phí.

Nhân viên cho vay ít khi trình bày tỉ mỉ cho khách hàng, vì e ngại khách hàng “chạy mất” khi nghe đến những khoản này. Nhưng thực tế, kinh doanh phát sinh nhiều vấn đề không lường trước được, nên vốn vay ngân hàng có thể giúp doanh nghiệp giải quyết những vấn đề trước mắt, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Tin bài liên quan