Dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã bỏ tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước

Dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã bỏ tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước

Tội cố ý làm trái: Nên bỏ để mở đường cho sáng tạo?

(ĐTCK) Sau nhiều án lớn trong lĩnh vực kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm đến một số tội kinh tế, đặc biệt là tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bà Lê Thị Hòa, Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, một trong những thay đổi quan trọng trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đó là bỏ loại tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Theo bà Hòa, từng có nhiều ý kiến cho rằng, tội này như một chiếc “bị” để xử lý tất cả những trường hợp mà cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác. Điều này vô hình chung đã làm cho mọi cá nhân, tổ chức không dám đi đầu, phát huy sáng kiến, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh vì sợ vướng trách nhiệm.

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế đang trong quá trình hoàn thiện, tính ổn định không cao, bà Hòa cho rằng, không nên duy trì loại tội danh này trong Bộ luật Hình sự. Nó sẽ tạo ra rào cản lớn cho quá trình phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến phản biện rằng, chưa nên bỏ tội danh này để tránh bỏ lọt tội phạm. Ông Lê Đăng Doanh, giảng viên Trường đại học Luật Hà Nội, trong buổi Hội thảo “Bộ luật Hình sự dưới góc nhìn cộng đồng doanh nghiệp” do VCCI và Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức mới đây cho rằng, hiện nay, những hành vi vi phạm chưa được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành thì được xử lý theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Việc vẫn giữ quy định tội danh này trong luật sẽ là cơ sở để các cơ quan tố tụng có thể tiến hành truy tố, xử lý đối với những trường hợp vi phạm nhưng không chứng minh được mục đích vụ lợi.

Theo ông Doanh, có rất nhiều vụ việc không thể chứng minh được mục đích chiếm đoạt tài sản, vụ lợi, như vậy, nếu xóa bỏ loại tội danh này trong khi còn nhiều lĩnh vực chưa thể cụ thể hóa được, ngoại trừ các lĩnh vực như đất đai, chứng khoán, ngân hàng… là chưa phù hợp. Ông Doanh cũng thừa nhận sự hạn chế của tội danh này là còn chung chung.

Tương tự, Luật sư Trần Xuân Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc bỏ hay không có 2 mặt. Bỏ đi có thể mở đường cho sự sáng tạo của doanh nghiệp, nhưng cũng có thể gây ra nhiều rủi ro cho cộng đồng.

“Trong kinh doanh, có nhiều việc không được làm nhưng người ta vẫn cứ làm, vì thế không thể viện lý do ‘hạn chế sáng tạo’ mà bỏ loại tội danh này”, Luật sư Sơn nói và cho rằng, nên duy trì quy định tội danh này nhưng xem xét mức độ hành vi để truy cứu trách nhiệm và có mức phạt hợp lý.

Còn ông Lê Hồng Nhu (Hiệp hội Giống cây trồng) đề nghị, cân nhắc xem phương án nào có lợi hơn. “Nếu bỏ loại tội danh này, trong một số lĩnh vực có lợi, nhưng thực tế sẽ bỏ lọt rất nhiều tội”.

Ngược lại, rất nhiều ý kiến ủng hộ phương án loại bỏ tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khỏi Bộ luật Hình sự. Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, tội cố ý làm trái là một tội danh chung chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng, bất cứ vi phạm nào cũng có thể “nhét” vào đây. Như vậy, sẽ không đảm bảo tính minh bạch, dễ bị lạm dụng.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể nhiều hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…; các hành vi phạm tội trong lĩnh vực quản lý đất đai, rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, sở hữu trí tuệ…, cho nên bỏ tội danh này sẽ giúp bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013.

“Quá trình điều tra, không xác định được cụ thể tội danh rồi lại dồn vào tội cố ý làm trái là không được”, ông Hướng nói.

Có ý kiến cho rằng, nếu vẫn duy trì loại tội danh này thì phải quy định rõ ràng cố ý làm trái ở đây phải trái với các quy định của luật, chứ không thể quy kết hành vi làm trái với các nghị định, thông tư, công văn… Luật sư Trương Thanh Đức, đại diện Công ty Luật Basico cũng ủng hộ bỏ tội danh này đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm, loại bỏ cả tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285, Luật cũ; Điều 360 Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi), bởi tội danh này cũng rất chung chung, phạm vi rộng, có thể sử dụng để xử lý bất cứ vi phạm nào nên dễ bị lạm dụng.   

Tin bài liên quan