Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe phân tích và tìm hiểu nội dung của “Sổ tay pháp luật về trọng tài và hòa giải”.
Theo đó, cấu trúc Sổ tay có 5 chương gồm: (i) Khuôn khổ pháp luật điều chỉnh trọng tài và hòa giải thương mại; (ii) Những khái niệm cơ bản; (iii) vai trò của Tòa án đối với hoạt động trọng tài thương mại; (iv) Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và (v) Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Chương I và II tóm tắt các quy định của pháp luật về trọng tài và hòa giải mà Thẩm phán cần áp dụng khi giải quyết các việc liên quan đến hoạt động trọng tài và hòa giải.
Các chương III, IV và V đưa ra hướng dẫn thực tiễn hỗ trợ các Thẩm phán khi áp dụng những chế định được nêu tại các chương I và II.
Trong mỗi tình huống được nêu tại chương III, IV và V, sổ tay viện dẫn ngắn gọn đến các quy định đang có hiệu lực, tóm tắt vấn đề trọng tài mà Thẩm phán cần xem xét và các chế định liên quan.
Đồng thời, giúp Thẩm phán trong việc áp dụng quy định pháp luật vào tình tiết vụ việc bằng cách đưa ra những ví dụ về các quyết định nước ngoài đối với cùng vấn đề.
Theo đó, Sổ tay làm rõ hơn các khái niệm pháp lý và các thuật ngữ chủ chốt áp dụng trong lĩnh vực trọng tài và hòa giải.
Sổ tay cũng lý giải các khái niệm quan trọng làm nền tảng cho việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp thay thế.
Bên cạnh đó, sổ tay cũng chỉ ra cách thức áp dụng pháp luật trọng tài một cách thống nhất. Đồng thời, nó cũng đưa ra ví dụ để giúp các thẩm phán tham khảo từ thực tiễn của các nước khác đã giải quyết những vụ việc tương tự.