VPC bị xử phạt vì tổ chức ĐHCĐ thường niên 2015 dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản

VPC bị xử phạt vì tổ chức ĐHCĐ thường niên 2015 dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản

Tổ chức ĐHCĐ gián tiếp, phạt nặng!

(ĐTCK) Vừa qua, một công ty trên UPCoM đã bị xử phạt 85 triệu đồng vì tổ chức ĐHCĐ thường niên dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Đó là CTCP Đầu tư và Phát triển năng lượng Việt Nam (VPC). Việc tổ chức ĐHCĐ sai luật như trên được thực hiện sau khi VPC bị hủy niêm yết bắt buộc.

Được biết, hoạt động chủ yếu của VPC là đầu tư, kinh doanh và sản xuất điện (thủy điện); xây dựng các công trình điện; kinh doanh bất động sản; đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn. Trong 3 năm liêp tiếp, 2012 - 2014, VPC đều thua lỗ. Cụ thể, mức lỗ của VPC tại các năm này lần lượt là 8,8 tỷ đồng, 6,1 tỷ đồng và 10,3 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2014 là gần 23 tỷ đồng, bằng 41% vốn điều lệ. Như vậy, cổ phiếu VPC thuộc trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 60 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Giải trình với Sở GDCK Hà Nội về nguyên nhân thua lỗ, VPC cho biết, nguyên nhân là do: khủng hoảng kinh tế, tuyển sinh đào tạo lái xe chỉ đạt 50% lưu lượng đào tạo, chi phí đào tạo tăng trong khi phải giảm học phí; các hoạt động đầu tư, mua bán chứng khoán bị lỗ hoặc phải trích lập dự phòng. Để khắc phục, VPC chỉ có giải pháp quản lý chặt chẽ chi tiêu, cắt giảm chi phí, tăng cường thu hồi công nợ…

Đến tháng 5/2015, 5,6 triệu cổ phiếu VPC đã bị hủy niêm yết và chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM. Sau khi bị hủy niêm yết, VPC đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2015 dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Các tài liệu ĐHCĐ được VPC công bố trên website của doanh nghiệp khá sơ sài, gồm Báo cáo HĐQT dài 2 trang, Báo cáo Ban kiểm soát dài 4 trang và các tờ trình có nội dung thông qua các báo cáo nói trên, lựa chọn đơn vị kiểm toán, thù lao HĐQT, Ban kiểm soát. Với việc bị hủy niêm yết và lỗ lũy kế tới hơn 40% vốn điều lệ, có lẽ nếu tổ chức ĐHCĐ, Ban lãnh đạo VPC sẽ phải đối mặt với nhiều chất vấn của cổ đông.

Việc VPC tổ chức ĐHCĐ thường niên dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đã xâm phạm quyền của cổ đông là được thảo luận, chất vấn trực tiếp tại đại hội. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định phạt tiền 85 triệu đồng vì công ty này có hành vi vi phạm hành chính: vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về tổ chức họp ĐHCĐ.

Thực tế cho thấy, những vi phạm liên quan đến tổ chức ĐHCĐ những năm gần đây khá phổ biến, từ những vi phạm nghiêm trọng như tổ chức ĐHCĐ gián tiếp qua đường bưu điện (lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản), đến những “khó dễ” khác đối với cổ đông. Đặc biệt, vi phạm xảy ra thường xuyên ở nhóm công ty đại chúng. Một vi phạm thường thấy là vi phạm về gửi tài liệu cho cổ đông, thời hạn gửi thông báo, tài liệu theo quy định chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc ĐHCĐ, nhưng thường bị chậm trễ, tài liệu gửi thiếu hoặc không gửi (chỉ gửi thông báo mời họp và mẫu ủy quyền). Có công ty không gửi/phát báo cáo tài chính, hoặc có gửi/phát thì thiếu thuyết minh báo cáo tài chính. Thông báo mời họp kèm tài liệu gửi qua bưu điện hay xảy ra “trục trặc”, lý do là địa chỉ không chính xác nên bị gửi trả. Cổ đông bức xúc vì địa chỉ đó sinh sống nhiều năm, các công ty khác gửi giấy mời không sao, nhưng công ty kém minh bạch thì xảy ra chuyện “sai địa chỉ”.

Không ít công ty buộc cổ đông phải đăng ký tham dự trước khi ĐHCĐ diễn ra, dù luật không quy định điều này. Nếu cổ đông không đăng ký tham dự trước thì không được vào hội trường. Có công ty còn đòi hỏi cổ đông phải sử dụng mẫu gấy ủy quyền do công ty gửi có đóng dấu treo, mẫu giấy ủy quyền tải về từ website của công ty (không có dấu treo) sẽ không được chấp nhận.

Một số công ty tính toán kéo dài thời gian văn nghệ, thời gian đọc báo cáo nhằm rút ngắn thời gian thảo luận xuống còn 15 - 30 phút, tránh “cổ đông cứ ý kiến lằng nhằng”. Khi biểu quyết các nội dung thì có công ty không phát phiếu biểu quyết, chỉ hỏi những cổ đông nào đồng ý thì giơ tay, cũng không hỏi xem có cổ đông nào không đồng ý, hay có ý kiến khác. Trong “rừng” cánh tay lộn xộn đó, công ty nghiễm nhiên ghi nhận 100% ý kiến đồng ý; nhiều cổ đông nhỏ, tỷ lệ biểu quyết quá ít nên đành chịu. Dù vậy, có trường hợp cổ đông quá bức xúc nên đệ đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ.

Tin bài liên quan