Tín dụng đen: Hệ lụy và lỗi “hệ thống”

Tín dụng đen: Hệ lụy và lỗi “hệ thống”

(ĐTCK) Trong tín dụng đen, người cho vay lẫn người đi vay đều có “lỗi” nhất định khi tham gia giao dịch vượt rào pháp luật. Nhưng liệu có phải lỗi này chỉ thuộc về những người tham gia hệ thống tín dụng đen?

Bài 1: Nhiều hệ lụy

Ngày càng nhiều vụ án liên quan đến tín dụng đen bị phát hiện, trong đó có các vụ án “nghìn tỷ đồng” như vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Năm 2013, có nhiều vụ vỡ nợ với mức tiền khủng, chẳng hạn vụ Nguyễn Văn Trung -Tô Thị Bích Liên ở TP Lạng Sơn, bỏ trốn cuỗm theo hàng trăm tỷ đồng của nhiều người; vụ Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Phương Nam vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó, con nợ bị bắt giữ, xét xử và nhận án tù, còn chủ nợ thì khốn khổ vì bị thiệt hại lớn về tài sản. Không ít vụ việc không dừng lại ở chuyện mất mát tài sản, mà còn liên quan đến án mạng và có thể có nhiều tội danh xuất phát từ một vụ vỡ nợ như giết người, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử, TAND TP Hà Nội mới đây đưa ra xét xử một vụ giết người, nguyên nhân xuất phát từ việc vay nợ 10 triệu đồng, không tài sản thế chấp, không hợp đồng hay giấy viết tay, mà chỉ có thỏa thuận miệng. Trong quá trình đòi nợ, xô xát xảy ra dẫn đến án mạng.

Các thông tin về vỡ nợ liên tiếp được đăng tải trên báo chí, nhưng hàng trăm người vẫn sẵn lòng trở thành một mắt xích trong chuỗi tín dụng đen. Bên lề phiên tòa liên quan đến tín dụng đen, xét xử một bị cáo huy động tiền của nhiều người sau đó vỡ nợ bỏ trốn, một phụ nữ trung niên ở quận Hà Đông (Hà Nội) đã níu tay phóng viên kể về trường hợp của bà và xin lời tư vấn. Theo đó, người phụ nữ này đã cho một “đại gia” ở trong khu phố vay gần 1 tỷ đồng với lãi suất 6%/tháng, bằng lãi suất cả năm gửi ngân hàng. Thời gian đầu, chủ nợ trả lãi đầy đủ, đúng hẹn, nhưng 6 tháng nay không thấy trả lãi. Cuống lên vì lo, bà đã hỏi han khắp nơi, nhưng do người vay không bỏ trốn nên không thể tố cáo ra cơ quan công an. Chính người phụ nữ này thừa nhận, vì tham lãi suất cao nên đã cho vay, dù không có tài sản bảo đảm.

Hiện nay, trong khi trần lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng là 7%/năm, nhiều ngân hàng thừa vốn nên huy động dưới mức lãi suất này, thì lãi suất tín dụng đen vẫn phổ biến ở mức 2.500 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương 90%/năm. Nhiều vụ án khác cho thấy, những khoản vay nhỏ bé ban đầu nhanh chóng phình lên, “đè chết” con nợ, chẳng hạn trường hợp một DN vay tín dụng đen với số tiền 4 tỷ đồng, sau đó không trả kịp nợ, nên gốc và lãi vay vọt lên 25 tỷ đồng. Điều này cho thấy, lãi suất mà người cho vay được hưởng, kể cả trừ đi khâu trung gian, cao đến độ khó từ chối.

Không chỉ lãi suất cao, bề ngoài hoành tráng của các con nợ cũng khiến nhiều người sẵn lòng móc hầu bao cho vay. Lời khai của các bị hại tại những phiên tòa liên quan tín dụng đen đều cho thấy, các đối tượng vay nợ đều là người “làm ăn lớn”, có biệt thự, xe sang, đặc biệt là bất động sản. Vẻ hoành tráng này khiến người cho vay an tâm.

Nhiều người vì hám lợi đã trở thành trung gian vay tiền rồi cho các con nợ khủng vay lại, nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Những người này đóng vai trò như là ngân hàng “đen”, đến khi các con nợ đầu trên cùng phá sản, vỡ nợ, thì cả dây chuyền bên dưới “chết” theo. Trong không ít vụ án, chính trung gian này đã bị truy tố bởi con nợ đầu trên không trả nợ, trong khi lại bị chủ nợ bức bách, bao vây đòi xiết nhà, dẫn đến phải bỏ trốn.

Những con nợ đầu trên, những người sẵn lòng vay nợ với lãi suất khủng, vì sao phải tìm đến tín dụng đen và làm gì với số tiền đó? Thực tế, có những trường hợp vay là để phục vụ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Tuy nhiên, không ít cá nhân, pháp nhân ở trong tình thế buộc phải vay, vì cần tiền gấp và không thể vay ở đâu khác.

Vốn vay ngân hàng được coi là rẻ, nhưng cộng thêm nhiều chi phí khác, một khoản vay của DN vào thời điểm thị trường “nóng” sẽ có lãi suất thực ở mức cao và không phải DN nào cũng tiếp cận được nguồn vốn này, bởi đòi hỏi nhiều điều kiện như tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh… Trong khi đó, nguồn vốn trên thị trường “đen” tuy đắt, nhưng rất dễ vay.

Ngay trên TTCK, không ít nhà đầu tư sử dụng margin, trước nguy cơ “cháy” tài khoản đã phải chấp nhận vay tiền trên thị trường “đen” để cứu tài khoản.

Có thể thấy, cả người cho vay, trung gian, người đi vay trong thị trường tín dụng đen đều có “lỗi” khi tham gia giao dịch vượt rào pháp luật và hậu quả là những vụ vỡ nợ, kẻ lĩnh án tù, người tán gia bại sản.

(Bài 2: Nhận diện lỗi “hệ thống”)