Thu giữ tài sản là quyền cần trả lại cho ngân hàng

Thu giữ tài sản là quyền cần trả lại cho ngân hàng

(ĐTCK) Đã có nhiều ý kiến về việc nên hay không nên tăng quyền, trao quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm cho các ngân hàng nhằm đảm bảo khả năng xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm là quyền vốn có của ngân hàng, cần trả lại họ. Từ đó, duy trì sức khỏe cho hệ thống ngân hàng, đồng thời, giải quyết vấn đề nợ xấu.

Quyền tuy có nhưng không thể dùng

Trong quan hệ vay, ý nghĩa của tài sản bảo đảm là khi bên vay không có khả năng trả nợ thì ngân hàng sẽ thu hồi vốn của mình thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm. Đó là điều mà ngân hàng cũng như chủ tài sản bảo đảm thường tự nguyện thỏa thuận bằng các hợp đồng bảo đảm tiền vay.

Từ thực tiễn, Nghị định 163/2006/NĐ-CP đã từng ghi nhận rõ ràng nội dung về quyền “thu giữ tài sản bảo đảm” với mong muốn có cơ sở pháp lý cụ thể, thuận lợi cho chủ nợ trong quá trình yêu cầu bên thế chấp thực hiện đúng những cam kết của mình.

Tuy vậy, trong hơn 10 năm qua, kể từ khi Nghị định 163 có hiệu lực, chỉ cần có sự chống đối, bất hợp tác từ chủ tài sản, ngân hàng sẽ không thể tự mình tiến hành quyền năng thu giữ tài sản bảo đảm mà pháp luật đã trao cho. Thay vào đó, ngân hàng bất đắc dĩ phải đối mặt với một tiến trình tố tụng kéo dài, mất chi phí, thời gian, qua nhiều công đoạn mới xử lý được tài sản bảo đảm.

Những trở ngại bó buộc quyền năng

Một hồ sơ sang tên nhà đất sau khi đấu giá tài sản bảo đảm của ngân hàng có thể bị cơ quan đăng ký nhà đất từ chối. Bởi lẽ, bất kể chủ nhà đã có sự nhất trí trao quyền cho ngân hàng quyết định giá bán, thủ tục xử lý tài sản theo hợp đồng thế chấp, bất kể đã có quy định về quyền thu giữ, xử lý tài sản của ngân hàng theo Bộ luật Dân sự và Nghị định 163, chỉ cần một đơn từ khiếu kiện, hồ sơ sang tên nhà đất đó sẽ bị dừng lại. Lý do là vì các cán bộ quản lý hành chính sẽ thận trọng cho trách nhiệm bản thân.

Về nguyên tắc, có quy định cho phép ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm, nhưng cũng không có quy định nào cấm cán bộ quản lý hành chính từ chối hồ sơ nếu như nhận được đơn khiếu kiện của chính chủ tài sản. Vậy là sự việc lại phải đưa đến tòa án xem xét giải quyết. Đây là một trở ngại thực tế tồn tại trong quá trình nhận, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của ngành ngân hàng.

Một ngân hàng viện dẫn quy định của Nghị định 163 để thực hiện quyền thu giữ một bất động sản bảo đảm. Ngân hàng đó có thể phải đối mặt với ý kiến cho rằng, cán bộ của họ đang xâm phạm chỗ ở của công dân, một quyền năng được quy định tại Hiến Pháp, thậm chí có nguy cơ bị xem xét xử lý hình sự.

Các ý kiến trên có thể đúng nếu như diễn giải một trường hợp xâm phạm tài sản thông thường. Nhưng, nếu sử dụng các căn cứ pháp lý thông thường để diễn giải cho một tài sản bảo đảm, dạng tài sản mà vị chủ nhân của nó đã từng thế chấp cho ngân hàng với cam kết đồng ý cho ngân hàng thu giữ để xử lý nợ, thì các ý kiến trên đã triệt tiêu hoàn toàn ý nghĩa các quy định về tài sản bảo đảm. Thực tế này tồn tại như một trở ngại cho ngân hàng trong quá trình xử lý các bất động sản thế chấp.

Trở ngại không phải nằm ở chỗ thiếu căn cứ quy định pháp luật. Bởi một lẽ, những quy định với nội dung rành rọt hướng dẫn từng bước thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm đã hiện hữu cả chục năm nay tại Nghị định 163 và nhiều văn bản pháp quy. Trở ngại nằm ở quan điểm tư duy trong việc vận dụng pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Khi còn chưa tìm ra được giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, thì một trở ngại mới phát sinh. Đó là việc Bộ luật Dân sự 2015 quy định người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản cho bên nhận bảo đảm xử lý, trường hợp người đang giữ tài sản không giao thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Với quy định nêu trên, hóa ra nếu bên có tài sản không tự nguyện giao tài sản, mọi trường hợp xử lý tài sản bảo đảm sẽ phải thực hiện qua con đường kiện tụng tại tòa án.

Nhằm tránh trường hợp các cam kết của bên có nghĩa vụ thanh toán bị vi phạm, Bộ luật Dân sự quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên có quyền. Một tài sản bảo đảm đương nhiên chỉ có ý nghĩa bảo đảm cho bên có quyền nếu tài sản đó có thể xử lý nhằm triệt tiêu nghĩa vụ bị vi phạm.

Quyền thu giữ, xử lý tài sản do đó mặc nhiên là quyền năng cơ bản của bên nhận tài sản bảo đảm. Với hàng loạt trở ngại đang tồn tại, quyền năng này đang bị bó buộc và tất yếu sẽ làm hệ thống ngân hàng chùn bước trước những tài sản bảo đảm.

Việc này đồng nghĩa với dòng vốn tín dụng có thể bị ảnh hưởng, tác động tới thị trường, doanh nghiệp và nền kinh tế. Do vậy, cần xóa bỏ những trở ngại tư duy, trả lại quyền năng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm cho ngân hàng.

Tin bài liên quan