Sửa Luật Doanh nghiệp: làm rõ cơ chế cổ đông nhỏ khởi kiện

Sửa Luật Doanh nghiệp: làm rõ cơ chế cổ đông nhỏ khởi kiện

(ĐTCK) Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đi những bước đi cuối cùng để hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.

Dù có nhiều đổi mới mang tính đột phá về tư duy xây dựng Luật, đi đúng tinh thần tự do kinh doanh theo Hiến pháp, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần xem xét để bảo vệ quyền lợi của cổ đông. 

Quy định giá trị pháp lý của điều lệ

Điều lệ công ty là bản thỏa thuận giữa những người sáng lập công ty với các cổ đông và giữa các cổ đông với nhau, được soạn căn cứ trên những khuôn mẫu chung của luật pháp (Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Lao động...) để ấn định cách tạo lập, hoạt động và giải thể của một doanh nghiệp. Điều lệ về bản chất là hợp đồng hay tạo lập quan hệ hợp đồng giữa các thành viên hoặc cổ đông với nhau; công ty với thành viên hoặc cổ đông; công ty với người quản lý công ty. Do vậy, Ban soạn thảo Luật cần cân nhắc có quy định cụ thể về bản chất pháp lý của điều lệ công ty.

Bản chất pháp lý của điều lệ là một vấn đề quan trọng để xác định hậu quả pháp lý khi điều lệ bị vi phạm.  Nếu được coi là một hợp đồng hoặc tạo lập quan hệ hợp đồng, bên bị vi phạm có thể áp dụng các quy định của luật hợp đồng để buộc bên vi phạm tuân thủ các nghĩa vụ của mình, hoặc yêu cầu các biện pháp xử lý theo quy định của luật hợp đồng như bồi thường thiệt hại trong trường hợp điều lệ không có quy định cụ thể về vấn đề trên.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung nội dung vào Điều 26: “Điều lệ công ty và bất kỳ văn bản nào có tính chất như điều lệ công ty sẽ có hiệu lực như một hợp đồng: giữa công ty với thành viên hoặc cổ đông công ty; giữa công ty với người quản lý công ty; và giữa các thành viên hoặc cổ đông với nhau. Theo đó, mỗi bên đồng ý tuân thủ và thực hiện các quy định của điều lệ và bất kỳ văn bản nào có tính chất như điều lệ công ty được áp dụng đối với bên đó”. 

Công nhận thỏa thuận giữa các thành viên hoặc cổ đông

Xuất phát từ thực tiễn tồn tại thỏa thuận giữa các thành viên hoặc cổ đông công ty đối với một số vấn đề cụ thể liên quan đến quyền, nghĩa vụ thành viên hoặc cổ đông công ty (bên cạnh điều lệ công ty), chúng tôi đề xuất, Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định công nhận giá trị của thỏa thuận giữa các thành viên hoặc cổ đông và bổ sung quy định xác định mối quan hệ giữa thỏa thuận này và điều lệ.

Cụ thể là quy định thỏa thuận giữa các thành viên hoặc cổ đông được công nhận và có giá trị thi hành nếu không trái với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các thành viên/cổ đông và điều lệ đối với cùng một vấn đề, thì thỏa thuận giữa các thành viên hoặc cổ đông được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh quan hệ giữa các thành viên hoặc cổ đông tham gia thỏa thuận giữa các thành viên hoặc cổ đông đó, miễn là quy định đó không trái với quy định của pháp luật (ví dụ, Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần, tuy nhiên, trong thỏa thuận giữa một số cổ đông có quy định việc chuyển nhượng của bất kỳ cổ đông nào tham gia thỏa thuận phải xin ý kiến chấp thuận của các cổ đông tham gia thỏa thuận khác. Như vậy, các cổ đông đã tự hạn chế bớt quyền tự do chuyển nhượng của mình). 

Gắn nghĩa vụ của người quản lý với lợi ích chung của Doanh nghiệp

Liên quan đến nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp (thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác), chúng tôi đề xuất cân nhắc áp dụng tương tự quy định tại Điều 34, Điều 35 của Điều lệ mẫu công ty đại chúng trong Luật Doanh nghiệp (cụ thể là dựa vào “mức độ cẩn trọng mà một người thận trọng phải có khi đảm nhiệm vị trí tương đương và trong hoàn cảnh tương tự”, để xác định nghĩa vụ trung thực, cẩn trọng của người quản lý doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ quy định hành động của người quản lý là để bảo vệ tối đa lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các thành viên/cổ đông công ty, chứ không phải của một thành viên/cổ đông cụ thể. 

Làm rõ cơ chế cổ đông/thành viên thiểu số khởi kiện người quản lý

Liên quan đến cơ chế khởi kiện của thành viên hoặc cổ đông công ty, chúng tôi đề xuất quy định rõ cơ chế khởi kiện HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc như sau: cổ đông hoặc thành viên khởi kiện có tư cách nguyên đơn khi khởi kiện nhân danh công ty và công ty phải hoàn trả mọi chi phí hợp lý liên quan đến việc kiện của cổ đông hoặc thành viên khởi kiện, trừ trường hợp Toà án quyết định vụ kiện được tiến hành không nhằm phục vụ lợi ích tốt nhất của công ty hoặc việc khởi kiện không có lý do chính đáng hoặc mục đích phù hợp.

Các chi phí hợp lý này có thể được quy định trong Luật Doanh nghiệp tương tự với quy định tại Điều 36.3 của Điều lệ mẫu công ty đại chúng (ban hành kèm theo Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26/7/2012).

Tin bài liên quan