Các nhà đầu tư sẽ “dễ thở” hơn với Luật Đầu tư sửa đổi

Các nhà đầu tư sẽ “dễ thở” hơn với Luật Đầu tư sửa đổi

Sửa Luật Đầu tư, nỗ lực làm rõ “vùng cấm”

(ĐTCK) Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi mới nhất đã nỗ lực giải tỏa một trong những bức xúc nhất của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó là làm rõ “vùng cấm”- danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh…

Lo giấy phép con, cháu tái phát

Tại Hội thảo lấy ý kiến DN đối với Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 7/10, câu hỏi được nhiều DN đặt ra cho Ban soạn thảo là, những bước cải cách như Dự thảo Luật liệu có khắc phục hiệu quả tình trạng phát sinh giấy phép con, cháu như hiện tại không?

“Do danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, cũng như ngành nghề đầu tư kinh doanh phải có giấy phép, chấp thuận hoặc xác nhận trước khi tiến hành hoạt động chưa rõ ràng, nên các bộ, UBND các tỉnh tùy tiện đặt ra các loại giấy phép con, cháu, gây khó cho DN… Dự thảo Luật có khắc phục được tình trạng nhức nhối này không”, ông Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russi& Vecchi, đặt câu hỏi.

Cũng do tác động tiêu cực của tình trạng giấy phép con, cháu, khiến ông Phan Mạnh Hùng, CTCP Kinder World phải than thở: “Có những trường hợp, chúng tôi phải gửi tới 60 bộ hồ sơ xin giấy phép triển khai dự án đầu tư đến các bộ, ngành liên quan. Trong đó, phải gửi tới hàng chục bộ hồ sơ tới các vụ, cục thuộc một bộ…”.

Đại diện Ban soạn thảo, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng, với những nội dung cải cách của Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi theo hướng minh bạch thủ tục hành chính về đầu tư, thì sẽ giảm thiểu tình trạng phát sinh giấy phép con, cháu…

“Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật khác được hợp nhất, để quy định thống nhất tại Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. Các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh không được quy định tại Luật này, đều không có hiệu lực thi hành…”, ông Tuấn nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện quy định tại Dự thảo Luật áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong và  ngoài nước.

Đáng chú ý, với bản dự thảo được cập nhật đến cuối tháng 9, nếu như phần nội dung của Dự thảo được gói gọn trong 36 trang giấy A4, thì danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, cũng như ngành, nghề đầu tư kinh doanh phải có giấy phép, chấp thuận hoặc xác nhận trước khi tiến hành hoạt động…, dài tới 40 trang. Điều đó cho thấy nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc minh bạch “vùng cấm” về ngành, nghề kinh doanh, qua đó giảm thiểu rủi ro, khó khăn cho nhà đầu tư, DN.

Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan

Một quan ngại khác của cộng đồng DN là trong quá trình xin giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh phải xin ý kiến thẩm định của nhiều bộ, ngành, địa phương về những nội dung liên quan đến lĩnh vực mà DN xin giấy phép đầu tư. Thực tế thực hiện việc này đang bộc lộ không ít bất cập: các cơ quan đưa ra các ý kiến thẩm định chồng chéo, thời gian kéo dài, thậm chí vượt quá thời hạn theo luật định, gây khó cho nhà đầu tư…

Để khắc phục tình trạng trên, ông Phan Mạnh Hùng đề nghị, Dự thảo Luật cần điều chỉnh theo hướng: các bộ, ngành liên quan chỉ được đưa ra quan điểm, ý kiến thẩm định về lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý, tránh lấn sân sang các lĩnh vực của các bộ, địa phương khác quản lý. Thời hạn thẩm định cần rút ngắn, đồng thời nếu cơ quan chức năng vi phạm thời hạn về thẩm định, thì phải chịu trách nhiệm.

Đại diện Ban soạn thảo, ông Quách Ngọc Tuấn cho biết, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng DN, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu trong quá trình hoàn thiện, để đảm bảo khi Luật Đầu tư sửa đổi được ban hành, sẽ không chỉ tháo gỡ các bất cập hiện tại, mà còn tạo thuận lợi hơn cho thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai các dự án đầu tư.

“Ý kiến của các luật sư, DN gợi lên nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật…”, đại diện cơ quan thẩm tra Dự án Luật Đầu tư sửa đổi, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói, đồng thời cho biết, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo hoàn thiện Dự thảo với chất lượng tốt nhất, trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp khai mạc vào cuối tháng 10 này.   

Tin bài liên quan