Sửa Bộ luật dân sự: Đảm bảo bình đẳng giữa pháp nhân “tư” và pháp nhân “công“

(ĐTCK) Hôm nay (22/9), trong ngày họp đầu tiên của Phiên họp thứ 31 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc Tờ trình Chính phủ về về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Sửa Bộ luật dân sự: Đảm bảo bình đẳng giữa pháp nhân “tư” và pháp nhân “công“

Theo đó, Bộ luật dân sự được ban hành 2005 đã có những đóng góp tích cực trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…

Trong giai đoạn phát triển mới, Bộ luật đã bộc lộ một số hạn chế như quy định thiếu tính khả thi, chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ các bên tham gia giao dịch, chưa thể hiện đầy đủ vai trò là luật chung trong hệ thống luật tư… Do đó, cần sửa đổi cho phù hợp.

Mục tiêu lớn của lần bổ sung, sửa chữa lần này là nhằm xây dựng Bộ luật dân sự thực sự trở thành Bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật tư.

Theo đó Bộ luật quy định các vấn đề có tính nguyên tắc, các luật chuyên ngành quy định về các vấn đề có tính chuyên ngành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia

Đồng thời, hướng tới mục tiêu ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong giao lưu dân sự.

Với quan điểm như trên, dự thảo Bộ luật gồm 6 phần, 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều so với Bộ luật hiện hành.

Trên cơ sở kế thừa Bộ luật dân sự 2005, dự thảo Bộ luật quy định 7 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự bao gồm: (1) Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; (2) Nguyên tắc bình đẳng; (3) Nguyên tắc thiện chí, trung thực; (4) Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; (5) Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; (6) Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; (7) Nguyên tắc hòa giải.

Riêng đối với pháp nhân, dự thảo Bộ luật quy định mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Đồng thời phân loại 3 loại pháp nhân cơ bản là pháp nhân thương mại (vì mục tiêu lợi nhuận), pháp nhân phi thương mại (không vì mục tiêu lợi nhuận) và pháp nhân công (cơ quan, tổ chức Nhà nước...).

Trong đó, pháp nhân công bình đẳng với cá nhân, pháp nhân khác khi tham gia các quan hệ dân sự. Pháp nhân công được giao chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản công phải đúng mục đích, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật. Nhà nước không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ dân sự của pháp nhân công, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Ngoài ra, về thời hiệu, dự thảo Bộ luật không quy định về thời hiệu khởi kiện mà chỉ quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Dự thảo Bộ luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định khác liên quan đến nhiều mặt trong quan hệ dân sự như các quy định về vật quyền, trái quyền, thừa kế, quan hệ có yếu tố nước ngoài...

Dự kiến, dự thảo Bộ luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp (từ kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 10) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).

Tin bài liên quan