Sabeco “đúng”, còn Kiểm toán Nhà nước “sai”

Sabeco “đúng”, còn Kiểm toán Nhà nước “sai”

(ĐTCK) "Sabeco không biết nộp 408 tỷ đồng sẽ thực hiện thế nào", ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco than phiền như vậy tại cuộc Tọa đàm về thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco, do Hiệp hội Bia-Rượu- Nước giải khát Việt Nam, tổ chức sáng nay (15/7).

Sabeco sai, cơ quan thuế có để yên?

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động của Sabeco năm 2013 có đưa ra kiến nghị Sabeco phải nộp thêm hơn 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, đang là câu chuyện “nóng” gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Tính chất “nóng” đến mức Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức một cuộc tọa đàm chuyên đề về câu chuyện thuế của Sabeco.

Cuộc tọa đàm đã trở thành cuộc “đối chất” nóng, với các thành phần liên quan dự họp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội, tuy Hiệp hội đã mời Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính… đến dự tọa đàm, nhưng đại diện Kiểm toán Nhà nước không có mặt, đại diện Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính có mặt, nhưng chỉ để… nghe, chứ không phát biểu ý kiến.

Vì thiếu vắng tiếng nói của các đơn vị chủ chốt như vậy, nên hầu hết ý kiến phát biểu tại cuộc tọa đàm đều có hơi hướng cho rằng: Sabeco “đúng”, còn Kiểm toán Nhà nước “sai”.

“Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã làm Sabeco hoang mang, bởi Tổng công ty đã làm đúng quy định của pháp luật, nhưng Kiểm toán Nhà nước lại đưa ra quyết định truy thu thuế…”, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương (đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco) bày tỏ quan điểm.

Ông Dũng cho biết thêm, quyết định truy thu thuế của Kiểm toán Nhà nước gây ra 2 vấn đề đang có nhiều ý kiến tranh luận là: có đúng Sabeco lập công ty con để lách thuế, trốn thuế không; giá tính thuế như thế nào là đúng?

“Với các doanh nghiệp lớn kinh doanh trên phạm vi cả nước, thì việc lập hệ thống phân phối phải có nhiều tầng nấc là bình thường. Bởi vậy, ý kiến cho rằng Sabeco lập các công ty con để lách thuế là không đúng…”, ông Dũng nói.

Liên quan đến tranh cãi về giá tính thuế, ông Dũng cho rằng, cơ sở hạch toán thuế của Sabeco căn cứ vào các hướng dẫn của cơ quan thuế, thì sao có thể sai được. Nếu sai, làm gì có chuyện cơ quan thuế để yên cho Sabeco trong suốt nhiều năm qua? Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt về bản chất là đánh vào nhà sản xuất, chứ không phải đánh vào khâu thương mại, nên cách hạch toán thuế của Sabeco là đúng theo quy định của pháp luật, nên không thể truy thu thuế đối với Sabeco.

Sabeco không nên “xin xỏ”

Theo ông Phạm Công Tham, Phó Chủ tịch Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra lỗ hổng chính sách, thì cơ quan quản lý nhà nước phải bịt lỗ hổng ấy rồi mới thu thuế được. Chứ không thể  chưa sửa chính sách đã đòi truy thu thuế của doanh nghiệp.

“Sabeco không nên xin xỏ, mà phải khẳng định là thực hiện đúng luật. Kể cả làm việc với công an cũng phải khẳng định như vậy. Các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương phải bảo vệ cái đúng. Nếu không doanh nghiệp biết tin vào đâu…?”, ông Tham nói.

Trả lời câu hỏi của báo giới, nếu cơ quan chức năng ra quyết định truy thu hơn 408 tỷ đồng tiền thuế, thì Sabeco tuân thủ thế nào, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT của Sabeco, cho biết, Sabeco đã gửi công văn xin ý kiến của Bộ Công thương với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Sabeco. Bộ Công thương chỉ đạo Sabeco chờ khi có kết luận của Bộ Tài chính thì thực hiện nghiêm túc.

“Dẫu vậy, tôi cũng chưa hình dung nổi sẽ phải thực hiện như thế nào nếu Sabeco bị truy thu hơn 408 tỷ đồng tiền thuế. Về lý thuyết, để nộp số thuế này thì phải lấy từ 2 nguồn là quỹ dự phòng và lợi nhuận chưa phân phối. Cả 2 nguồn này đều thuộc sở hữu của cổ đông nhà nước và cổ đông ngoài nhà nước. Với cổ đông nhà nước, thì nộp thuế là lấy từ túi nọ bỏ sang túi kia, còn với cổ đông bên ngoài sẽ phải tổ chức họp ĐHCĐ khá phức tạp để xin ý kiến về phương án nộp thuế…”, ông Tuất nói và khẳng định, đến thời điểm này Sabeco đang chờ phán quyết của Bộ Tài chính để có cơ sở thực hiện.

Tin bài liên quan