6 tháng cuối năm 2014, Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên có lãi 4,6 tỷ đồng

6 tháng cuối năm 2014, Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên có lãi 4,6 tỷ đồng

Rắc rối cổ phần hóa Công ty Kim loại màu Thái Nguyên: Ai lãnh trách nhiệm trả nợ?

Thông tin mới nhất về vụ việc cổ đông tư nhân chiếm khoảng 40% cổ phần từ chối ký biên bản hoàn tất quá trình cổ phần hóa tại Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico do liên quan đến vụ việc tranh chấp với Eximbank Thái Lan.

Tranh chấp dài kỳ

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Tiến Hải, Tổng giám đốc Công ty Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico (ông Hải làm Tổng giám đốc từ ngày 31/5/2014 và được Đại hội đồng cổ đông ngày 10/6/2014 bầu làm Tổng giám đốc) cho hay, Công ty bắt đầu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần từ ngày 1/7/2014, Nhà nước nắm 51% vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Phần vốn của Nhà nước được giao cho Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (Vimico) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đại diện.

Trước đó (ngày 17/4), phiên đấu giá bán 7.096.000 cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần đã thành công. 100% cổ phần đưa ra đấu giá đã được bán với tổng giá trị thu về trên 134 tỷ đồng, cao hơn 63 tỷ đồng so với dự kiến. Đặc biệt, toàn bộ số cổ phần đưa ra đấu giá đã được bán hết cho 1 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức với giá bình quân 18.888 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm 88,8%).

Không tham gia quá trình chuẩn bị cổ phần hóa, vì khi đó đang còn ở nơi khác, nhưng ông Hải cho biết, đúng là trong bản cáo bạch phục vụ việc cổ phần hóa không đề cập khoản tiền nhiều triệu USD. Dẫu vậy, vụ tranh chấp này cũng khá dài kỳ.

Vào năm 1995, Công ty Kim loại màu Thái Nguyên hợp tác với Công ty Teparak International của Thái Lan thành lập Công ty Liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái tại Việt Nam nhằm thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột oxit kẽm với vốn pháp định 2,15 triệu USD. Theo cam kết, phía Việt Nam sẽ góp 40% vốn pháp định (tương đương 860.000 USD), nhưng mới góp được 562,6 triệu đồng thì việc thành lập liên doanh tạm dừng.

Năm 2002, Công ty Teparak International đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong liên doanh cho Công ty I.R.D.C Exploration and Mining (một pháp nhân của Thái Lan) để kế thừa thực hiện đầu tư. Tới năm 2001, Công ty Liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái đã ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Eximbank Thái Lan và đã được giải ngân khoản vay 9,03 triệu USD.

Do liên doanh này đang lâm vào tình trạng phá sản, không có khả năng hoàn trả khoản vay, ngày 12/8/2012, Eximbank Thái Lan đã nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên tại Viện Trọng tài Thái Lan để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Công ty liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái. Yêu cầu khởi kiện của Eximbank Thái Lan được đưa ra trên cơ sở nội dung Thỏa thuận tài trợ vốn (Funding Agreement) ngày 20/6/2001 được ký kết giữa Công ty Kim loại màu Thái Nguyên cùng Công ty I.R.D.C Exploration and Mining với Eximbank Thái Lan. Theo cam kết đó, nếu Liên doanh không có khả năng hoàn trả khoản vay của Eximbank Thái Lan, Công ty Kim loại màu Thái Nguyên phải liên đới chịu trách nhiệm thay cho Công ty liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái thanh toán các khoản tiền vay.

“Con” chịu trách nhiệm… tiền “mẹ” lo!

Theo Vimico, tài liệu và sổ sách kế toán của Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên không ghi nhận hoặc theo dõi bất kỳ thông tin nào liên quan đến bản Thỏa thuận tài trợ vốn ngày 20/6/2001.

Khi Viện Trọng tài Thái Lan thụ lý vụ tranh chấp, Công ty Kim loại màu Thái Nguyên đã tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi, như thuê luật sư nước ngoài, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp Việt Nam, nghiên cứu đưa ra các luận điểm bảo vệ, tham gia trực tiếp quá trình tố tụng trọng tài nhằm bác bỏ các yêu cầu khởi kiện của Eximbank Thái Lan.

Ngày 3/6/2014, tức là sau thời điểm IPO của Công ty Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico, Viện Trọng tài Thái Lan thông báo ban hành phán quyết trọng tài ngày 23/5/2014 của Hội đồng Trọng tài. Theo đó, Công ty Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico phải trả 13,785 triệu USD (bao gồm tiền gốc, lãi: LIBOR + 4% + phần bổ sung 2% lãi vi phạm hợp đồng kể từ ngày vi phạm) trên số tiền gốc 9,3 triệu USD từ ngày 15/8/2012 cho đến khi thanh toán khoản tiền gốc đầy đủ cho Eximbank Thái Lan và các chi phí phải trả Trọng tài.

Để thực hiện quyền yêu cầu Tòa án Thái Lan bác bỏ phán quyết theo quy định về thủ tục tố tụng của pháp Luật Thái Lan, ngày 4/8/2014, Vimico -  với tư cách là cổ đông (đang chiếm 51%) tại Công ty Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico đã chỉ đạo người đại diện quản lý vốn của mình nghiên cứu tài liệu, tiếp tục tham vấn luật sư để tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên Việt Nam.

Điều này là bởi, khi phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico, HĐQT Vinacomin đã yêu cầu đơn vị này có trách nhiệm kế thừa và nghĩa vụ với khoản vốn góp vào Công ty Liên doanh Công nghiệp kẽm Việt Thái, đồng thời tiếp tục thực hiện vai trò của cổ đông góp vốn trong Công ty Liên doanh Công nghiệp kẽm Việt Thái theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hải cho hay, trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (Vimico), Bộ Công thương và Vinacomin đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý vụ tranh chấp liên quan đến Ngân hàng Eximbank Thái Lan.

Theo đó, Công ty Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico tiếp tục thực hiện nghĩa vụ pháp lý với tư cách là cổ đông góp vốn của Công ty Liên doanh, thực hiện kháng nghị vụ kiện lên Tòa án Thái Lan và Tòa án Việt Nam (trong trường hợp phán quyết của Trọng tài Thái Lan được Tòa án Thái Lan công nhận và chuyển sang Việt Nam để thực hiện), thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý liên quan phát sinh theo vụ kiện. Còn Vimico, với tư cách là Công ty mẹ sẽ thực hiện nghĩa vụ vật chất liên quan trong trường hợp phán quyết được công nhận và thi hành ở Việt Nam.

Theo đề xuất của Vinacomin, Vimico sẽ được trích lập dự phòng khoản tiền như phán quyết của Viện Trọng tài Thái Lan ngày 23/5/2014, khi quyết toán bàn giao vốn cho Công ty cổ phần Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin. Trường hợp không phải thi hành nghĩa vụ vật chất, thì khoản trích lập dự phòng nêu trên sẽ được hoàn trả lại Nhà nước.

Cuối tháng 12/2014, phương án cổ phần hóa của Vimico đã được phê duyệt tại Quyết định 2388/2014/QĐ-TTg và Bộ Công thương cũng có Văn bản 820/BCT-TCCB ngày 26/1/2015 hướng dẫn thực hiện quá trình cổ phần hóa. 

Ngày 23/4/2015, Vimico đã tiến hành IPO cổ phiếu ra công chúng. Kết quả có 132 nhà đầu tư tham gia đấu giá, tổng khối lượng cổ phần đặt mua hợp lệ là 1.326.800 cổ phần, với trị giá 13,9 tỷ đồng.

Trách nhiệm vật chất của vụ tranh chấp đã được chuyển lại Vimico chịu khi có phán quyết cuối cùng. Cuối tháng 5/2015, Công ty sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông để xử lý dứt điểm việc tiếp nhận bàn giao nghĩa vụ khi chuyển thành công ty cổ phần để doanh nghiệp có thể toàn tâm lo phát triển.